Hạn chế xuất khẩu các loại thép trong nước đang có nhu cầu

12/05/2021 - 19:21

Trước tình hình giá thép tăng cao đột biến, Bộ Công Thương cho biết, đang xem xét để kiến nghị Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu.

Với mức tăng trưởng lên tới 65,2% về trị giá, xuất khẩu sắt thép đã mang về 1,826 tỷ USD trong quý I-2021, tăng thêm 720 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Ảnh minh hoạ.

Tại cuộc họp về công tác điều hành giá năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm.

Xem xét kiểm soát xuất khẩu

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.

Để từng bước điều chỉnh nguồn cung thép, bình ổn giá thép, định giá thép, tránh hiện tượng đầu cơ ép giá để trục lợi đối với các sản phẩm thép, đầu tháng 2-2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan có Văn bản số 724/BCT-CN ngày 05-2-2021 báo cáo Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo một số giải pháp nhằm ổn định cung-cầu và giá thép trong nước trong năm 2021.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc Bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.

Theo dõi và xem xét xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam nhằm giảm thiểu các thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất thép. Tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ kiến nghị ban hành các chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với các loại thép trong nước đang có nhu cầu và tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.

Thông tin thêm, đại diện Bộ Công Thương cho biết, ngày 11-5, Bộ Công Thương đã có Văn bản số 2612/BCT-CN gửi Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp, các nhà sản xuất thép lớn trong nước đề nghị Hiệp hội rà soát, xem xét các vấn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào, tiết giảm các chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, có biện pháp tăng công suất sản xuất thép để đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu.

Bộ Công Thương cũng đề nghị Hiệp hội Thép thực hiện việc rà soát các đại lý phân phối trong việc cung cấp hàng đến các hộ tiêu thụ, người tiêu dùng, tránh các hiện tượng găm hàng, đẩy giá và cạnh tranh không lành mạnh. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, nếu có các khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu các biện pháp thúc đẩy, tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Văn bản số 3025/VPCP-KTTH ngày 8/5/2021.

Giá thép sẽ tiếp tục biến động

Đánh giá về thị trường thép đang tăng cao hiện nay, đại diện Bộ Công Thương cho biết, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đã làm cho giá thép thành phẩm tăng theo, gây ảnh hưởng rất lớn đến các ngành sản xuất liên quan sử dụng sản phẩm thép.

Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt việc giải ngân vốn đầu tư công để đảm bảo tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội, việc tăng giá thép sẽ làm tăng tổng mức đầu tư, tăng giá gói thầu và hợp đồng xây dựng, phá vỡ kế hoạch vốn đầu tư trung hạn của Chính phủ, làm tăng chi ngân sách, ảnh hưởng đến tài khóa năm 2021.  

Phân tích thêm về nguyên nhân làm giá thép tăng cao, Bộ Công Thương cho biết, từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, giá nguyên liệu sản xuất thép và giá thép đã tăng liên tục từ cuối năm 2020 và tăng với tốc độ phi mã trong quý II-2021. Giá quặng nguyên liệu đã tăng trên 220 USD/tấn vào ngày 10-5-2021, phá vỡ kỷ lục cũ là 194 USD/tấn cách đây hơn 1 thập kỷ, giá thép phế liệu đã tăng gần gấp đôi trong vòng hơn 9 tháng qua. Giá thép phế liệu tại Trung Quốc lên mức cao nhất 7 năm qua.

Lượng tiêu thụ thép tăng mạnh trên toàn cầu, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục sau cú sốc COVID-19, đang đưa giá quặng sắt tiến tới mức cao chưa từng có tiền lệ. Các mỏ quặng lớn đang hoạt động hết công suất, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu.

Trong khi nhu cầu trên thế giới tăng cao, nhưng nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới là Trung Quốc đang có một số động thái làm giảm lượng xuất khẩu ra thế giới bằng các chính sách như: Nhu cầu thép cho nội địa Trung Quốc trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19 và mở đầu kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2021-2025; sản lượng thép giảm theo chính sách chung của chính phủ Trung Quốc kết hợp với chính sách kiểm soát ô nhiễm.

“Như vậy, nhu cầu tăng, nguồn cung giảm làm cho giá sản phẩm bị đẩy lên cao”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Diễn biến thị trường thế giới như trên đã tác động mạnh đến ngành thép của Việt Nam. Bởi, thép Việt Nam hiện nay cơ bản phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài như: quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực graphite....khi giá các nguyên liệu đầu vào biến động sẽ làm giá thép thành phẩm trong nước cũng phải điều chỉnh theo.

Theo đánh giá từ Hiệp hội Thép Việt Nam, xu hướng diễn biến giá cả nguyên liệu và thép thành phẩm trên thế giới trong năm 2021 sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới như thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính 2008.

Trước diễn biến về tình hình giá thép trong nước gây ra tâm lý lo lắng trong dư luận xã hội, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã khuyến nghị tới doanh nghiệp thành viên về việc cần tiếp tục phát huy công suất, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thép, tổ chức hệ thống phân phối hợp lý để ổn định nguồn cung trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

Các doanh nghiệp tăng cường hợp tác phối hợp ưu tiên nguồn nguyên liệu và thép thô cho thị trường trong nước. Đồng thời, tiết giảm chi phí sản xuất, bảo đảm giá bán hợp lý để bình ổn giá cả thị trường thép trong nước.

VSA cũng đề nghị các doanh nghiệp thành viên cung cấp thông tin về công suất nhà máy và kế hoạch sản xuất bán hàng trong quý II/2021 và dự kiến cả năm 2021 để Hiệp hội tổng hợp, báo cáo với cơ quan nhà nước và truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ đến người tiêu dùng thép góp phần đảm bảo bình ổn thị trường thép trong nước thời gian tới.

 

Theo PHAN TRANG (Chính phủ)

 

Liên kết hữu ích