Một hiệu thuốc dán thông báo về các phương pháp điều trị COVID-19 ở Eunpyeong, Seoul, ngày 11/8. Ảnh: Yonhap
Tính đến tuần đầu tiên của tháng 8, cơ quan trên cho biết đã ghi nhận tới 861 ca mắc COVID-19 tại 220 cơ sở y tế lớn trên cả nước, tăng gấp 6 lần so với số ca tháng 7. Trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh MBC, Hong Jeong Il, một quan chức của KDCA cho biết: “Đợt tăng đột biến có thể đạt đỉnh vào khoảng cuối tháng 8, khi mọi người tiếp xúc nhiều hơn sau kế hoạch nghỉ Hè, điều này có thể ảnh hưởng đến xu hướng về số ca mắc bệnh”. Quan chức này cho biết thêm việc thông gió kém do sử dụng điều hòa vào mùa Hè cũng có thể là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng số ca mắc bệnh gần đây.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, KDCA đã quyết định mở rộng lực lượng đặc biệt ứng phó với dịch bệnh này để bao quát nhiều khu vực hơn, theo đó các nhóm ứng phó khác nhau sẽ làm việc để theo dõi sự lây lan của COVID-19 ở Hàn Quốc và nước ngoài, phân tích các ca mắc bệnh và quản lý các phương pháp điều trị cũng như các vật tư y tế cần thiết khác.
Cùng ngày, KDCA đã thông báo về kế hoạch mua thêm thuốc kháng virus SARS-CoV-2 Paxlovid và Lagevrio để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng vào cuối tháng 8, đồng thời cho hay nguồn cung ứng bộ dụng cụ xét nghiệm COVID-19 hiện đã được "đảm bảo sau khi rơi vào tình trạng thiếu hụt".
Theo KDCA, làn sóng mắc COVID-19 hiện tại chủ yếu do biến thể phụ Omicron KP.3 của SARS-CoV-2 gây ra. Đây là loại virus gây ra 45,5% các ca bệnh trong nước kể từ tháng 7 và hiện đang thúc đẩy làn sóng mắc bệnh trong mùa Hè trên toàn cầu.
Cũng theo cơ quan trên, Chính phủ Hàn Quốc có thể xử lý tình hình dịch bệnh theo hệ thống y tế hiện tại vì tỷ lệ tử vong do biến thể KP.3 tương đối thấp, dưới 0,01% đối với những người dưới 50 tuổi và 0,1% trên toàn quốc, tuy nhiên, công chúng vẫn cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa bệnh như rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang và thường xuyên thông gió trong nhà vì phần lớn những người nhập viện là người lớn tuổi hoặc những người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Theo TTXVN