Hàng Việt tăng cơ hội vào 3 thị trường tiềm năng trong khối CPTPP

21/03/2019 - 09:05

Hiệp định CPTPP có hiệu lực giúp tăng cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt vào nhiều thị trường, trong đó có Canada, Mexico và Peru.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canada. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Thuỷ sản là mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tại thị trường Canada. Trong đó, nhiều chủng loại đã chiếm thị phần rất cao tại thị trường này như cá ba sa (gần như chiếm 100% thị trường cá da trơn nhập khẩu), tôm, cá ngừ. Theo cam kết CPTPP, thuế nhập khẩu các mặt hàng thuỷ sản như tôm đông lạnh, tôm chế biến, nhuyễn thể hai mảnh, cá tra, cá ngừ... đều giảm về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Thuế MFN hiện nay là 4-5%. Đây là cơ hội để thuỷ sản Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần và đa dạng hoá các chủng loại mặt hàng xuất khẩu vào thị trường này.


Hàng Việt có cơ hội vào 3 thị trường tiềm năng của khối CP-TPP. (Ảnh: Đại đoàn kết)

Canada là thị trường rất tiềm năng của Việt Nam với kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may khoảng 13,3 tỷ USD/năm và tốc độ tăng trưởng nhập khẩu được dự báo khoảng trên dưới 20% mỗi năm. Đồng thời, Canada luôn có nhu cầu về mặt hàng may mặc làm từ sợi tự nhiên, phù hợp với mặt hàng may mặc Việt Nam.

Một số mặt hàng khác như đồ gỗ nội thất, giày dép, nhựa gia dụng, giấy cũng là những mặt hàng tiềm năng xuất khẩu vào thị trường này.

Về thị trường Peru - đây là một trong những nước cởi mở nhất về kinh tế đối ngoại trong khu vực Nam Mỹ với tăng trưởng kinh tế luôn cao, đồng tiền ổn định, lạm phát thấp. Peru là thị trường tương đối phù hợp với trình độ và quy mô cũng như cách tiếp cận thị trường của ta, hàng hoá sản phẩm dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể là thị trường trung gian để đi vào thị trường các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và phía Tây rộng lớn của Brasil.

Peru cam kết xóa bỏ 80,7% số dòng thuế ngay, tương đương 62,1% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 99,4% số dòng thuế vào năm thứ 17 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Hàng năm Peru nhập khẩu khoảng 350 triệu USD hàng giày dép, chủ yếu là các sản phẩm giày dép giả da hoặc có thành phần nhựa. Theo cam kết CPTPP, thuế nhập khẩu được giảm dần đều và xoá bỏ vào năm thứ 16 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Như vậy, sau khi Quốc hội Peru chính thức thông qua việc gia nhập CPTPP, mặt hàng giày dép xuất xứ từ Việt Nam vốn đã được biết đến tại Peru sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh ngang bằng hàng hoá từ Trung Quốc và Brasil.

Về thị trường Mexico, nước này cam kết xóa bỏ 77,2% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 36,5% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam và sẽ xóa bỏ thuế quan đối với 98% số dòng thuế vào năm thứ 10 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng thuỷ sản (tôm, cá đông lạnh), gạo, Dệt may, da giày của Việt Nam rất có lợi thế ở thị trường này.

Theo NGUYÊN LONG (VOV)