Hành động xứng đáng với công lao tiền nhân

16/12/2022 - 07:01

 - “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. Người nhờ người dẫn lối. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta…”- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Minh Nhị đã viết trên văn bia đặt dưới tượng chân dung cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu kênh mang tên ông (thuộc xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn). “Uống nước nhớ nguồn” không chỉ là tưởng nhớ công lao cha ông, mà còn phải hành động sao cho xứng đáng.

Dâng hương tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông

Gắn bó với vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) từ thời nơi đây còn là “túi phèn” khổng lồ, lão nông Huỳnh Ngọc Ân (ngụ ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn) hiểu rất rõ những đổi thay từ khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh đào tuyến kênh T5 - Tuần Thống dài 48km vào năm 1997, sau đó là kênh T4, T6 nối dòng nước ngọt từ kênh Vĩnh Tế ra biển Tây. Chủ trương ấy giúp tháo chua, rửa phèn cho đồng đất TGLX (chủ yếu tỉnh An Giang và Kiên Giang). “Nhìn dòng nước phù sa cuồn cuộn đổ vào các dòng kênh mới, lan tỏa ra cánh đồng rộng lớn, đẩy lùi nước phèn ra biển Tây, ai cũng hiểu rằng vùng đất hoang hóa này đã được đánh thức sau những đêm trường ngủ vùi” - ông Ân xúc cảm.

Theo lời lão nông này, nhờ những công trình thủy lợi đột phá, từ vùng đất bỏ hoang hoặc chỉ canh tác mỗi năm 1 vụ lúa mùa năng suất thấp, đất sản xuất dần được mở rộng, nâng lên 2 vụ, rồi 3 vụ/năm. Có kênh, có đường, người dân đổ về càng nhiều, đời sống ngày càng khá lên, biến TGLX thành vùng đất trù phú, đầy sức sống.

Điển hình như xã Lạc Quới, thời điểm năm 1997, toàn xã chỉ canh tác 1.500ha đất nông nghiệp năng suất thấp, nay nâng lên 6.000ha sản xuất quanh năm. “Người dân nơi đây không bao giờ quên công lao của ông Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt). Nông dân chúng tôi nguyện ra sức khai thác tiềm năng vùng đất này để nâng cao giá trị sản phẩm làm ra, nâng cao đời sống hơn nữa, cùng Đảng, nhà nước đi đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh” - ông Huỳnh Ngọc Ân chia sẻ.

Chung sức hành động để xứng đáng với công lao của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là tâm niệm của những đại biểu về dự lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022), do Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện Tri Tôn tổ chức tại công viên văn hóa Võ Văn Kiệt (xã Lạc Quới), nơi giao nhau giữa dòng kênh lịch sử Vĩnh Tế (do danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào năm 1819, hoàn thành năm 1824) và kênh T5 - Võ Văn Kiệt.

Theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm, trước khi có công trình thoát lũ ra biển Tây, tỉnh An Giang đã có chủ trương cấp đất cho dân vào khai thác vùng TGLX (mỗi hộ 3ha). Đảng bộ và chính quyền địa phương tự lực đào mới một số kênh trong vùng, nhưng sản xuất nhiều năm vẫn mất trắng vì không thoát được phèn.

Năm 1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt về An Giang, cùng lãnh đạo tỉnh tìm hướng làm "ngọt hóa" vùng TGLX. Từ tầm nhìn chiến lược của ông, chỉ trong 3 năm (1997-1999), tuyến kênh T4, T5, T6 đã hoàn thành, nối dòng kênh Vĩnh Tế băng vào vùng TGLX, chảy qua tỉnh An Giang và Kiên Giang. Kế hoạch xả lũ rửa phèn diễn ra nhanh chóng, làm ngọt hóa lòng đất, lòng người, làm bừng lên sức sống mới trên “cánh đồng chết” năm nào.

“Kênh Võ Văn Kiệt giờ đây còn là tuyến giao thông thủy quan trọng nối liền kênh Vĩnh Tế, chạy dọc biên giới giáp Campuchia xuống tới vùng biển Kiên Giang. Dưới kênh, ghe xuồng chở nông sản, hàng hóa thông thương, trên bờ là con đường trải nhựa liên tỉnh thẳng tắp, nhà cửa san sát”- ông Liêm nhấn mạnh.

“Kênh Võ Văn Kiệt tiếp nối kênh Vĩnh Tế, kênh Thoại Hà. Lịch sử 200 năm liên tục một dòng chảy cuộn tràn sức sống trên mảnh đất phương Nam, biến vùng đất phèn, đất chết ngày nào trở thành vùng đất lúa bạt ngàn; thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) hàng đầu về đầu tư phát triển, như: Nhà máy gạo Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long, dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH, dự án đầu tư trang trại heo giống chất lượng cao của Thagrico (thuộc Tập đoàn THACO) cùng nhiều DN lúa gạo, nông, thủy sản, chuối xuất khẩu... Nhiều hộ dân trở thành tỷ phú nhờ sản xuất nông nghiệp từ chính vùng đất này” - ông Cao Quang Liêm khẳng định thêm.

Cùng với đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt, dựng bia tưởng niệm, xây dựng công viên văn hóa Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh mang tên ông, những năm qua, tỉnh An Giang và huyện Tri Tôn tiếp tục đầu tư thêm công trình thủy lợi, tuyến đường giao thông để việc sản xuất, đi lại của bà con ngày càng thuận lợi, kinh tế phát triển hơn.

“Bài toán về khai hoang, phục hóa, tăng năng suất, sản lượng lúa đã được giải quyết. Trước xu thế mới, Đảng chỉ đạo phải chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp để nông dân trong vùng lúa, nông dân đang sản xuất nông nghiệp phải khá giả và giàu có. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải suy nghĩ và hành động để tổ chức lại sản xuất kiểu mới, phải hợp tác chặt chẽ, phải chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp hợp lý. Đó là chất lượng, giá trị hàng hóa, phải gắn với thị trường, là vai trò của DN, doanh nhân. Cả hệ thống chính trị, DN và nông dân còn phải làm thật nhiều việc trong thời gian tới, phát huy truyền thống cần cù, sáng tạo, vượt khó, hợp tác chặt chẽ để tiếp tục khai thác tốt dư địa vùng TGLX, biến vùng đất mà ông Sáu Dân đã có công rất lớn trong chỉ đạo khai hoang trước đây thành vùng đất thật sự trù phú”- ông Cao Quang Liêm kỳ vọng.

Công trình kênh T5 - Võ Văn Kiệt giúp thoát lũ ra biển Tây, phá vỡ “túi phèn” vùng TGLX là sự tiếp nối xuất sắc công trình kênh Vĩnh Tế, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Thoại Ngọc Hầu và Võ Văn Kiệt, dù cách nhau gần 200 năm.

NGÔ CHUẨN