Một xương hàm hóa thạch của Megalosaurus, loài khủng long đầu tiên được mô tả và đặt tên một cách khoa học. Ảnh: accuweather.com
Mãi đến năm 1824, William Buckland - Giáo sư địa chất đầu tiên của Đại học Oxford mới mô tả và đặt tên cho loài khủng long đầu tiên được biết đến là Megalosaurus, còn gọi là thằn lằn lớn, dựa trên cấu trúc và kích cỡ của các hóa thạch xương hàm dưới, đốt sống và chi của loài này. Megalosaurus có xương đùi lớn nhất dài 83,82cm với chu vi gần 25,5cm. Trong bài nghiên cứu khoa học trình bày trước Hiệp hội Địa chất ở London vào ngày 20/2/1824, dựa vào hình dạng răng của Megalosaurus, Giáo sư Buckland cho rằng đó là động vật ăn thịt dài hơn 12m và có thể là loài lưỡng cư.
Nhà cổ sinh vật học Steve Brusatte của Đại học Edinburgh, tác giả cuốn “Sự phát triển và tuyệt chủng của khủng long: Lịch sử mới về thế giới đã mất” đã ủng hộ những phán đoán của Giáo sư Buckland, cho rằng đây là sinh vật bò sát khổng lồ đã tuyệt chủng.
Tuy nhiên, phải mất đến 20 năm sau kể từ khi tên Megalosaurus được đặt cho một loài loài bò sát khổng lồ đã tuyệt chủng, thuật ngữ “khủng long” mới được nhà giải phẫu học Richard Owen, người sáng lập Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở London đưa ra. Ông sử dụng thuật ngữ này dựa trên các đặc điểm chung xác định được trong nghiên cứu về Megalosaurus và hai loại khác là Iguanodon và Hylaeosaurus lần lượt vào các năm 1825 và 1833.
Nghiên cứu của Giáo sư Buckland chính là mô tả khoa học đầu tiên về khủng long. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, hóa thạch xương riêng lẻ của Megalosaurus đã không thu hút được sự quan tâm đặc biệt như hóa thạch hoàn chỉnh của các loài bò sát biển khổng lồ như Ichthyosaur và Plesiosaur do nhà cổ sinh vật học Mary Anning phát hiện ở Dorset Coast của Anh. Dù vậy, Megalosaurus đã để lại dấu ấn trong văn hóa đại chúng, khi là một trong 3 mô hình khủng long được trưng bày ở công viên Crystal Palace tại London - công viên khủng long đầu tiên trên thế giới - vào năm 1854. Megalosaurus cũng xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết “Ngôi nhà ảm đạm” của nhà văn Charles Dickens.
Đối với các nhà cổ sinh vật học, dịp kỷ niệm 200 năm ngày đặt tên khoa học đầu tiên cho một loài khủng long là cơ hội nhìn lại thành quả tri thức của lĩnh vực này trong hai thế kỷ qua. Dù được phát hiện khi đã tuyệt chủng và từng bị xem là thất bại trong quá trình tiến hóa, thực tế khủng long đã tồn tại và phát triển trong 165 triệu năm - lâu hơn nhiều so với khoảng 300.000 năm con người sinh sống trên hành tinh này. Ngày nay, khoảng 1.000 loài khủng long đã được đặt tên và mỗi năm có khoảng 50 loài khủng long mới được phát hiện.
Nhà cổ sinh vật học Brusatte cho rằng dù đã qua 200 năm nhưng những nghiên cứu khoa học về khủng long vẫn đang trong giai đoạn khám phá, khi các nhà khoa học mới chỉ tìm thấy một phần rất nhỏ số khủng long từng sinh sống. Ông cho biết loài chim ngày nay là hậu duệ của khủng long và hiện có hơn 10.000 loài chim đang tồn tại. Theo ông, có thể trong 150 triệu năm tồn tại, khủng long có tới hàng ngàn, thậm chí hàng triệu loài khác nhau.
Vào những năm 1990, các hóa thạch được khai quật ở Trung Quốc đã cho thấy khủng long có lông vũ, xác nhận giả thuyết chúng là tổ tiên trực tiếp của loài chim. Bên cạnh khám phá hóa thạch, các công nghệ mới như chụp cắt lớp (CT) và phương pháp tính toán hiện đại cũng cho phép các nhà cổ sinh vật học tái tạo và hiểu biết về khủng long chi tiết hơn nhiều.
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều điều chưa được khám phá về khủng long. Trong năm 2024, Bảo tàng Lịch sử tự nhiên London và Hiệp hội Địa chất sẽ tổ chức các sự kiện đặc biệt kỷ niệm 200 năm ngày đặt tên cho loài khủng long đầu tiên. Đây là dịp để công chúng biết những điều thú vị và hiểu biết nhiều hơn về sinh vật này.
Theo LUYẾN VIÊN (Báo Tin Tức)