Hành trình khẳng định trong lĩnh vực nhân quyền của Việt Nam

20/10/2022 - 22:23

 - Ngày 11/10/2022, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Đây là một thành tựu mới, tiếp tục khẳng định công tác thực thi nhân quyền ở nước ta.

Hành trình gian nan

Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2014-2016, với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới. Suốt nhiệm kỳ, Việt Nam tham gia tích cực các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, như: Tham gia nhóm nòng cốt tại Hội đồng Nhân quyền về “Biến đổi khí hậu và quyền con người”, trực tiếp là tác giả một số nghị quyết được Hội đồng Nhân quyền thông qua bằng đồng thuận về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em…).

Việt Nam cũng tham gia đồng tác giả, đồng bảo trợ hàng chục nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền trong giai đoạn này, tập trung vào lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử, xóa bỏ các biện pháp cấm vận đơn phương ảnh hưởng đến thụ hưởng quyền con người, quyền của nông dân, vấn đề dân chủ hóa đời sống quốc tế và tăng cường đoàn kết quốc tế.

Những thành công ấy thúc đẩy Việt Nam tiếp tục nỗ lực ứng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025. Ngay lúc ấy, các tổ chức phản động, thế lực thù địch chống phá bằng mọi cách, muốn chặn bước tiến của Việt Nam. Chúng đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, “bằng chứng” thiếu cơ sở để minh chứng cho quan điểm “Việt Nam không xứng đáng nắm ghế tại Hội đồng Nhân quyền LHQ”. Điển hình như Báo cáo Nhân quyền năm 2021, Báo cáo Tự do tôn giáo quốc tế năm 2021 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Báo cáo tình hình tự do tôn giáo của USCIRF năm 2021, Đối thoại nhân quyền Việt Nam EU (tháng 4/2022)… các nước “tiên tiến dân chủ phương Tây” đều chỉ trích Việt Nam một cách thiếu cơ sở, phủ nhận thành tựu về nhân quyền của nước ta.

Những báo cáo sai lệch từ Mỹ và phương Tây đưa ra nhiều thông tin sai lệch về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo, tự do ngôn luận của Việt Nam. Nhiều tổ chức nhân danh quốc tế về nhân quyền còn phát đi “thư ngỏ cầu xin” các quốc gia thành viên Đại hội đồng LHQ phản đối, ngăn cản Việt Nam đại diện ASEAN; vận động không bỏ phiếu cho Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ, nhiệm kỳ 2023-2025.

Trước thời điểm bỏ phiếu bầu, những luận điệu chê bai, chống phá Việt Nam càng gia tăng. Cuối tháng 9/2022, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nội dung sai sự thật, không khách quan, với định kiến xấu mà một số tổ chức nước ngoài đã đưa ra về tình hình Việt Nam. Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền cơ bản của con người. Điều này được quy định cụ thể trong Hiến pháp 2013 và nhiều văn bản pháp luật liên quan”.

"Hữu xạ tự nhiên hương"

Chỉ riêng việc có mặt ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thể hiện rõ vị thế của Việt Nam. Các thành viên LHQ tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý. Trong đó, nhóm Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này (7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020, 1 nước rút ứng cử vào phút chót). Việt Nam được nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên Châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.

Kết quả bầu cử cho thấy, sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Việc trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là lời đáp trả sâu sắc, mạnh mẽ của Việt Nam đối với các luận điệu xuyên tạc cho rằng “ở Việt Nam làm gì có nhân quyền”. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và Chỉ thị 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, việc trúng cử Hội đồng Nhân quyền LHQ không chỉ minh chứng cho nỗ lực bền bỉ của Việt Nam trong việc thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế về quyền con người. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi năm 2022 kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ. Đây sẽ là cơ hội lớn để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào nỗ lực chung của LHQ, cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội.

Cũng từ đây, thông điệp Việt Nam yêu chuộng hòa bình được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo. Đồng thời, góp phần quan trọng giúp các cấp, ngành và toàn dân, bạn bè quốc tế hiểu đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc hơn chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở nước ta. Bên cạnh đó, chúng ta có thể tranh thủ sự hỗ trợ, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm của LHQ và các đối tác quốc tế để thực hiện ngày càng tốt quyền con người, quyền công dân và quyền làm chủ của nhân dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Hội đồng Nhân quyền LHQ được thành lập năm 2006, là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ. Hội đồng gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

T.M