Kiểm tra là hoạt động thường xuyên của toàn Đảng
Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định: “Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”. Hay nói nôm na, đó là “lấy của Nhà nước, tập thể, cá nhân bỏ vào túi riêng của mình, vì vụ lợi”. Tham nhũng mang đến hậu quả vô cùng nặng nề.
Về kinh tế, hành vi này gây thất thoát, kéo lùi sự tăng trưởng kinh tế, tạo nên “thuế không chính thức” đánh vào công dân, người tiêu dùng. Về chính trị, văn hóa, xã hội, tham nhũng làm giảm hiệu lực pháp luật, nuôi dưỡng sự đặc quyền, làm xói mòn liêm chính trong xã hội, dẫn đến vi phạm quyền con người. Đặc biệt, tham nhũng để lại hậu quả nghiêm trọng về uy tín, vị thế, tổ chức bộ máy về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Nhấn mạnh lý do cần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh An Giang Lưu Vĩnh Nguyên khẳng định: “Muốn hay không thì cũng phải làm. Bởi không làm thì người dân không còn tín nhiệm, nghĩa là mất Đảng, mất chế độ XHCN”.
Hiện nay, quá trình phòng, chống tham nhũng đạt được 4 hiệu quả rõ nét. Thứ nhất, đã răn đe, cảnh tỉnh, giáo dục, phòng ngừa cao. Thứ hai, cán bộ, đảng viên biết rèn luyện, biết giữ gìn bản thân hơn, giúp bộ máy Nhà nước trong sạch hơn. Thứ ba, người dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng Đảng, Nhà nước, hiểu được “nói đi đôi với làm”. Thứ tư, quốc tế ghi nhận, đánh giá cao Việt Nam từng bước thực hiện tốt cam kết chống tham nhũng của Liên Hiệp Quốc, xã hội ngày càng minh bạch.
Giữa tháng 9/2023, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá, năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiếp tục được lãnh, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương. Đã có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận “thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng” (trong đó, 11 người đứng đầu, cấp phó bị xử lý hình sự; 28 người bị xử lý kỷ luật).
10 năm qua, Trung ương ban hành 250 văn bản về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; về kiểm tra, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thi hành kỷ luật Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 14 văn bản về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 45 văn bản. Bộ, ngành, địa phương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hơn 100.000 văn bản…
Từ ngày 1/7/2012 đến 31/3/2022, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp thi hành kỷ luật 2.741 tổ chức đảng, 167.748 đảng viên. Trong đó, gần 7.400 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái quy định của Đảng, Nhà nước. Hơn 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị thi hành kỷ luật…
Những con số ấy cho thấy “quyết tâm chính trị rất cao” của Đảng, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Các đối tượng bị xử lý đều nhận thức rõ sai phạm, tâm phục, khẩu phục, ăn năn, hối lỗi, xin lỗi Đảng, Nhà nước. Tại tỉnh An Giang, theo đồng chí Lưu Vĩnh Nguyên, vẫn xảy ra vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến các địa phương, đơn vị cấp tỉnh, đã được thông tin rộng rãi quá trình xử lý thời gian qua.
Tuy nhiên, điều đáng băn khoăn hiện nay là việc phát hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị nhìn chung còn yếu. Ở một số địa phương, công tác này chưa chuyển biến rõ rệt, mang tính hình thức, nể nang, né tránh.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức (trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao) thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng. Điều này cũng xuất phát từ nguyên nhân: Cuộc sống của cán bộ, công chức, viên chức chưa được quan tâm, chăm lo đúng mức.
Trong hoạt động bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận và thực tiễn, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức… đội ngũ cán bộ, đảng viên thường xuyên được nhắc đi nhắc lại về vai trò, trách nhiệm của mình đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân.
Những điều ấy, nghe thì có vẻ cũ, nhưng chưa bao giờ lỗi thời, lạc hậu. Chỉ cần lơ là, chủ quan, bước qua lằn ranh mong manh tốt - xấu, tích cực - tiêu cực, cán bộ, đảng viên phải trả giá rất đắt. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, quyết tâm chính trị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng rất cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Đảng và Nhà nước đang khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để “không thể tham nhũng”; cơ chế răn đe, trừng trị để “không dám tham nhũng”; cơ chế bảo đảm để “không cần tham nhũng”; tăng cường giáo dục liêm chính để “không muốn tham nhũng”. Muốn “4 không” đó trở thành hiện thực, cần huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, cùng “tổng tiến công” vào “chiến dịch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, vì tương lai của đất nước Việt Nam.
T.M