Kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (1945-2022):

Hào khí Cách mạng tháng Tám qua những bài ca

19/08/2022 - 20:40

Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, cuộc Tổng khởi nghĩa biểu dương sức mạnh của nhân dân Việt Nam đập tan xiềng xích nô lệ, xây dựng cuộc sống mới độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, đã tạo khung trời mới cho văn học nghệ thuật, trong đó có âm nhạc, phát triển mạnh mẽ…

Hào khí Cách mạng tháng Tám qua những bài ca - Ảnh 1.

Sáng 19/8/1945, hàng chục vạn người dân ở Hà Nội và các tỉnh lân cận theo các ngả đường kéo về quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội dự cuộc mít tinh lớn chưa từng có của quần chúng cách mạng, hưởng ứng cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền - Ảnh: Tư liệu TTXVN

Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9/1945 trở thành những ký ức không thể nào quên trong tâm trí của người dân Việt Nam. Những khoảnh khắc thiêng liêng ấy đã được nhiều nhạc sĩ lưu lại trong những ca khúc cách mạng nổi tiếng sống mãi cùng lịch sử cách mạng Việt Nam.

Có những bài hát được sáng tác trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 nhiều năm nhưng chỉ đến khi cuộc Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 thành công, bài hát ấy mới thực sự "bùng nổ" hòa cùng không khí sục sôi của nhân dân tranh đấu giành chính quyền.

Một trong những ca khúc đó là "Cùng nhau đi Hồng binh" của tác giả Đinh Nhu (1910-1945). Bài hát được sáng tác năm 1930 ngay khi Đảng ta ra đời. Tuy nhiên, "Cùng nhau đi Hồng binh" chỉ lan truyền phổ biến trong quần chúng vào năm 1945, khi phong trào kháng Nhật, chống Pháp đi đến thắng lợi với cao trào là Cách mạng tháng Tám. Cùng với nhiều bài ca khác, "Cùng nhau đi Hồng binh" vang lên ở nhiều nơi, ở các cuộc biểu tình, mít tinh trong giai đoạn cách mạng đó.

Bài hát thể hiện tinh thần đoàn kết, dũng cảm chiến đấu, tiêu diệt kẻ thù: "Cùng nhau đi Hồng binh/Đồng tâm ta đều bước/Đừng cho quân thù thoát/Ta quyết chí hi sinh…".

Trong không khí sục sôi của những ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa tháng Tám, nhạc sĩ Đỗ Nhuận (1922-1991) sáng tác "Du kích ca". Với mạch hành khúc, ca khúc thể hiện khí thế hùng tráng của đội quân cách mạng; tô đậm hình tượng người chiến sĩ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dựa vào dân mà đánh giặc. "Du kích ca" trở thành một trong những bài hát được quần chúng hát vang trên khắp phố phường cũng như ở mọi miền quê đất nước.

Bài hát in dấu một thời kỳ quan trọng của lịch sử cách mạng Việt Nam: "Anh em trong đoàn quân du kích, cùng vác súng lên nào! Đi lên! Đi lên! Xuyên qua rừng, qua núi, trong mây mù đêm tối, vượt suối băng ngàn… Chúng ta thề kiên quyết, giải phóng nước nhà…".

Năm 1945, "Bắc Sơn", một sáng tác xuất sắc của nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) ra đời. Bài hát mang âm hưởng bi hùng, máu lửa; vang vọng lời ca đất nước. Ca từ như tiếng thét, kêu gọi nhân dân chiến đấu; có sức lay động lòng người mà vẫn tha thiết, sâu lắng: "… Giặc Pháp tàn ác giày xéo/Từng xác ngập đất máu xương/Nhà đốt, cầm dáo, cầm súng/Dân quân vùng ra sa trường/Bắc Sơn, nơi đó sa trường xưa/Bắc Sơn, đây núi rừng chiến khu"...

Một ca khúc nổi tiếng khác không thể không nhắc đến là ca khúc "19 tháng Tám" của nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010).

Trong không khí sục sôi Tổng khởi nghĩa, sáng sớm ngày 19/8/1945, quần chúng nhân dân ở nội và ngoại thành Thủ đô Hà Nội nô nức tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn mít tinh ủng hộ Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng.

Hòa cùng dòng người như nước vỡ bờ với tiếng hô: "Toàn dân Việt Nam vùng lên! Vùng lên!", "Thề đem xương máu quyết chiến đấu! Chiến đấu", nhạc sĩ Xuân Oanh xúc cảm trước khí thế của nhân dân, vừa đi, ông vừa sáng tác bài "19 tháng Tám". Tới Quảng trường dự mít tinh cũng là lúc ca khúc hoàn thành.

Trong thời gian rất ngắn, bài hát đã được lan truyền khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê với lời ca hào hùng: "Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày/Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai/Mười chín tháng Tám, khi quốc dân căm hờn kêu thét/Đứng lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung. Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa/Hạnh phúc sáng tô, non sông Việt Nam".

Sau năm 1945 và toàn quốc kháng chiến năm 1946, một ca khúc nổi tiếng khác - "Người Hà Nội" của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi (1924-2003) - ra đời (đầu năm 1947). Lúc đó ông 23 tuổi phải rời Hà Nội "khói lửa ngút trời" lên chiến khu Việt Bắc. Trong lòng người thanh niên Hà Nội ấy dâng trào cảm xúc và những ca từ hào sảng ùa vào bản nhạc, thành ca khúc để đời, trở thành một tài sản tinh thần vô giá bởi giai điệu và ca từ lắng đọng trong tâm hồn mỗi người một tình yêu Hà Nội, tình yêu đất nước, hẹn ngày về giải phóng quê hương: "Hà Nội cháy, khói lửa ngập trời/Hà Nội hồng ầm ầm rung, sông Hồng reo/Thét lên xung phong căm hờn sôi gầm súng/Bùng cháy, khắp phố ta ơi! Vùng lên, chiến sĩ ta ơi! Trời Hà Nội đỏ máu"…

Trong những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, nghe lại cuốn "biên niên sử" bằng âm thanh theo sát sự kiện lịch sử, khắc họa trung thực khung cảnh người dân Việt Nam cùng đứng lên chiến đấu bảo vệ đất nước, chúng ta càng thêm tự hào về dân tộc mình, một dân tộc "nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ" như Bác Hồ kính yêu kêu gọi!

Theo CHI PHAN (Chính phủ)