Giáp Tết cũng là thời điểm các hộ sản xuất bánh phồng mì “tăng tốc” ngày đêm để có đủ lượng bánh cung ứng cho thị trường. Hàng trăm cái bánh tròn xoe được phơi trên đệm bàng là nét đặc trưng chỉ có ở Ba Chúc.
Nơi đây còn hơn chục hộ làm nghề bánh phồng mì, được truyền qua nhiều thế hệ. Bà Trầm là một trong số thợ có tay nghề thâm niên điển hình.
“Hầu hết lò bánh đều làm thủ công, cá biệt có hộ đầu tư máy sấy để rút ngắn công đoạn phơi. Hương vị ngon béo của chiếc bánh lệ thuộc nguyên liệu và tay nghề người làm. Nghề này không dư giả, nhờ bán được quanh năm nên ai kiên trì thì vẫn đủ ăn, đủ mặc…” – bà chia sẻ.
Khoai mì được hấp chín, tước sạch gân, xơ… đem xay nhuyễn với đường, dừa nạo. Từ công đoạn này, tỷ lệ gia giảm các thành phần quyết định độ ngon của bánh và chia thành loại nhất, nhì, loại thường cùng giá bán tương ứng.
Làm thủ công, nhưng các bước cán bánh được các cô thực hiện rất sạch sẽ. Mỗi lượt lấy bột sẽ “nhéo” một miếng vừa đủ thông qua mảnh ni-lông mỏng. Quá trình cán bột chỉ thao tác bằng thanh nhựa, giữ cố định bìa xung quanh để bánh tròn đều, tuyệt nhiên không chạm vào bánh.
Lớp ni-lông lót dưới mỗi cái bánh sẽ được úp ngược lên đệm bàng, dán cố định mặt bánh theo hàng lối cho đến lúc khô.
Mùa cao điểm, bánh phồng mì phơi kín lối từ trong nhà ra ngoài sân, tận dụng cả những không gian trên cao treo đệm để phơi bánh.
Nguyên liệu bánh đã chín sẵn từ công đoạn làm ra, nên sau khi phơi khô, bánh phồng mì có thể ăn liền. Còn một cách thưởng thức khác là đem nướng, sẽ có độ giòn, thơm hấp dẫn.
Loại bánh quê ăn chơi bây giờ đã trở thành đặc sản truyền thống của vùng núi Ba Chúc. Đặc biệt, bánh phồng mì loại nhất, loại nhì (làm theo công thức gia giảm nguyên liệu) được khách hàng ưa thích chọn làm quà tặng thơm thảo đến người thân, bạn bè.
MỸ HẠNH