'Hát Xoan làng cổ' - Sản phẩm du lịch đặc trưng tại Giỗ Tổ Hùng Vương 2021

20/04/2021 - 13:39

Về dự Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021, du khách thập phương có dịp thưởng thức các làn điệu xoan cổ mượt mà, đằm thắm do chính các nghệ nhân và đào, kép trình diễn. Chương trình “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành sản phẩm đặc trưng, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế mỗi khi về đất Tổ Phú Thọ.

Trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn

Chương trình 'Hát Xoan làng cổ' - Sản phẩm du lịch đặc trưng tại Giỗ Tổ Hùng Vương 2021. Ảnh minh họa: Trung Kiên/TTXVN

Theo Ban Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2021, trong trạng thái bình thường mới, chương trình “Hát Xoan làng cổ” sẽ tiếp tục được tổ chức tại các miếu, đình làng xoan cổ thuộc các xã Kim Đức, Phượng Lâu và Hùng Lô, thành phố Việt Trì từ ngày 17 - 21/4/2021 (tức mùng 6 - 10/3 âm lịch) để phục vụ du khách về Giỗ Tổ Hùng Vương.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ, vào các dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, chương trình “Hát Xoan làng cổ” sẽ được các nghệ nhân biểu diễn tại hai địa điểm đình Hùng Lô và miếu Lãi Lèn (thành phố Việt Trì).

Tại đình Hùng Lô, chương trình “Hát Xoan làng cổ” được tổ chức từ 14 -16 giờ hằng ngày và tại miếu Lãi Lèn từ 14-16 giờ thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần. Các tiết mục hát Xoan sẽ do các nghệ nhân và thành viên các phường Xoan biểu diễn.

Ngay những ngày đầu Giỗ Tổ Hùng Vương đã có rất nhiều khách đến thưởng thức những làn điệu Xoan cổ tại đình Hùng Lô, thành phố Việt Trì do nghệ nhân và đào, kép của phường Xoan An Thái xã Phượng Lâu trình diễn. Đây là một trong những ngôi đình cổ nổi tiếng của Phú Thọ, nơi thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương.

Ông Đinh Ngọc Tú, du khách đến từ tỉnh Hà Nam cho biết, đến đây du khách được thắp nén hương thơm tỏ lòng thành kính tri ân công đức Vua Hùng, hiểu thêm về lịch sử của đình Hùng Lô và chiêm ngưỡng các hiện vật cổ, quý hiếm đang lưu giữ tại đình; đồng thời thưởng thức hát Xoan.
 
Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lịch cho biết, để gìn giữ, bảo tồn, phát huy cũng như giới thiệu, quảng bá di sản Hát Xoan đến du khách cả nước, các nghệ nhân luôn cố gắng làm hết sức mình, mang đến những làn điệu Xoan hay và ý nghĩa nhất phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết đến nay, chương trình “Hát Xoan làng cổ” gắn với các điểm du lịch di sản văn hóa đã đón tiếp hàng chục nghìn lượt khách về tham quan, trong đó phần lớn là các đoàn khách du lịch quốc tế. Hiện nay, sản phẩm “Hát Xoan làng cổ” đã trở thành điểm nhấn du lịch không thể thiếu trong tour du lịch của các công ty lữ hành đón khách về Phú Thọ.

Đến với “Hát Xoan làng cổ”, người dân và du khách không chỉ nghe các làn điệu Xoan cổ, cùng tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa từ thời đại Hùng Vương mà còn được tham quan các làng nghề truyền thống tại một số địa phương, được trực tiếp học múa, hát, biểu diễn hát Xoan dưới sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của các nghệ nhân.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới gắn với các điểm “Hát Xoan làng cổ” phục vụ du khách như: Tour du lịch học đường kết nối các điểm du lịch như Đền Hùng, đình Hùng Lô, miếu Lãi Lèn, Bảo tàng Hùng Vương; tour du lịch nông nghiệp tại Hợp tác xã sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm rau an toàn Tứ Xã (huyện Lâm Thao) đã được duy trì nâng cao chất lượng; tour một ngày đồi chè Long Cốc, Vườn Quốc gia Xuân Sơn và tour du lịch tâm linh về với Đền Hùng, trải nghiệm hát Xoan tại đình Hùng Lô, Bảo tàng Hùng Vương, thành phố Việt Trì; tour du lịch “City tour Việt Trì” gắn với các điểm “Hát Xoan làng cổ” cùng nhiều chương trình tham quan hấp dẫn trên địa bàn thành phố.

Để làn điệu Xoan sống mãi với thời gian

Theo đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Phú Thọ, từ khi hát Xoan Phú Thọ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, việc bảo tồn tại và phát huy giá trị di sản được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, toàn bộ không gian văn hóa thực hành di sản hát Xoan tại các phường Xoan gốc đã được tu bổ và phục hồi hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu thực hành di sản.

Bên cạnh đó, các lễ hội truyền thống gắn với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và hát Xoan được duy trì, phục hồi tạo không gian văn hóa cho cộng đồng thực hành, trình diễn, trao truyền cho thế hệ trẻ. Việc truyền dạy cho lớp nghệ nhân kế cận đã được chú trọng, từ chỗ chỉ còn 7 nghệ nhân, đến nay toàn tỉnh đã có gần 100 nghệ nhân có khả năng truyền dạy và 300 nghệ nhân kế cận.

Hát Xoan cũng được đưa về các làng quê, phát huy vai trò của cộng đồng trong gìn giữ câu hát có từ thời Hùng Vương. Phú Thọ đã thành lập được 34 câu lạc bộ cấp tỉnh với trên 1.500 người tham gia thực hành; 64 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp huyện và 42 câu lạc bộ hát Xoan và dân ca cấp xã với hàng chục ngàn người tham gia thực hành giúp làn điệu hát Xoan được lan tỏa, sống với thời gian.

Để tiếp tục bảo tồn và phát huy di sản hát Xoan, Phú Thọ sẽ tổ chức các hội thảo đánh giá giá trị di sản; thực hiện nhiều chương trình quảng bá, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và quảng bá phát triển du lịch về giá trị của di sản hát Xoan. Đồng thời, ngành Văn hóa xây dựng các bộ phim tư liệu về hát Xoan; đẩy mạnh giảng dạy hát Xoan trong nhà trường giúp lớp công chúng trẻ hiểu, yêu những làn điệu hát Xoan.

Theo LÂM THỊ ĐẠI (TTXVN)