Bệnh nhân chỉ được điều trị hỗ trợ
Trong tuần qua, các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 6 trường hợp bị ngộ độc botulinum có nguồn gốc từ thực phẩm. Trong đó có 5 trường hợp bị ngộ độc botulinum do ăn giò lụa kẹp bánh mì mua từ người bán dạo và 1 trường hợp lớn tuổi nhất nghi do ăn một loại mắm đã được ủ lâu ngày.
Bệnh nhân bị ngộ độc botulinum được điều trị hỗ trợ bằng thở máy. Ảnh: BVCC
Độc tố botutinum là một chất kịch độc và phải có thuốc BAT. Tuy nhiên, trong số 6 bệnh nhân bị ngộ độc botulinum, chỉ có 3 bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh) may mắn được truyền thuốc BAT vào ngày 16/5, còn 3 bệnh nhân là người lớn được phát hiện mới đây phải điều trị hỗ trợ do Việt Nam đã cạn thuốc BAT.
TS. BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, những trường hợp bị ngộ botulinum sử dụng thuốc BAT giải độc đặc hiệu sớm thì chỉ trong vòng 48 đến 72 tiếng là bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải thở máy. Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1 - 2 ngày, tức rất là sớm sau khi ngộ độc, trong khoảng thời gian trung bình khoảng từ 5 đến 7 ngày thì bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu, sức khỏe ổn định trở lại.
“Hiện việc hết thuốc BAT giải độc đặc hiệu do ngộ độc botulinum đang là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân và cũng như nan giải cho các bác sĩ điều trị. Trong trường hợp không có thuốc giải độc BAT thì bệnh nhân được điều trị hỗ trợ, chủ yếu là nuôi dưỡng và thở máy, bởi vì chất độc của botulinum làm tổn thương hệ thần kinh dẫn tới liệt cơ và không thể tự thở được. Mặc dù bệnh nhân được hỗ trợ thở máy nhưng kết quả cũng không được giống như mong muốn như sử dụng thuốc giải BAT”, bác sĩ Lê Quốc Hùng nói.
Theo bác sĩ Lê Quốc Hùng, qua thực tế điều trị những bệnh nhân ngộ độc botulinum từ những năm 2020 khi không có thuốc giải độc thì thời gian trung bình thở máy của bệnh nhân phải kéo dài từ 3 đến 6 tháng. Trong quá trình bệnh nhân thở máy có rất nhiều biến chứng có thể xảy ra. Chẳng hạn như nhiễm trùng thứ phát về đường hô hấp, suy dinh dưỡng do thở máy kéo dài, liệt hoàn toàn dẫn đến cắt mạch…
Do được truyền thuốc giải độc BAT nên 2 bệnh nhi bị ngộ độc botulinum đã không phải thở máy, sức cơ cũng đã được cải thiện.
BS.CK1 Trương Thị Ngọc Phú, Phó phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 cho biết, khi độc tố botulinum xâm nhập nhiều hơn sẽ gây nhìn mờ, khô miệng, các dấu hiệu của liệt cơ như sụp mi, khó nuốt, khó nói và nặng hơn là liệt các cơ hô hấp dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng có thể tử vong nếu người bệnh không được can thiệp kịp thời. Thuốc giải độc tố BAT nên được sử dụng càng sớm càng tốt ngay sau khi có chẩn đoán để giúp cải thiện tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, đây là loại thuốc rất hiếm, không phải lúc nào cũng sẵn có, giá thành cao.
Theo các bác sĩ, thuốc BAT là loại thuốc quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà hiếm cả trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ. Không những đắt đỏ mà thuốc còn rất hiếm, hiện trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất. Trước năm 2020, Việt Nam không có thuốc giải botulinum. Chỉ đến khi xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người rơi vào nguy kịch, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới hỗ trợ thuốc cho Việt Nam.
Đến năm 2021, Bệnh viện Chợ Rẫy nhập về 6 lọ BAT từ Canada (trong tổng số 30 lọ được Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu). Tuy nhiên, 2 lọ thuốc cuối cùng của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được chuyển từ Quảng Nam về để cứu sống 3 anh em ruột bị ngộ độc do ăn chả lụa từ người bán dạo, tại Bệnh viện Nhi đồng 2 vào ngày 16/5.
Khả năng nhiễm độc tố botulium luôn rình rập
Theo TS. BS Lê Quốc Hùng, trên thế giới, các ca ngộ độc botulinum không phải hiếm. Đơn cử, theo số liệu tại Mỹ, mỗi năm nước này vẫn ghi nhận dao động từ 150 - 300 ca ngộ độc botulinum. Còn ở Việt Nam, trước đây ít có khả năng để chẩn đoán được bệnh này.
Tuy nhiên, đến những năm gần đây, đặc biệt năm 2020, khi Bệnh viện Chợ Rẫy lần đầu tiên chẩn đoán được chùm ca bệnh botulinum đã gióng lên hồi chuông cảnh báo để các bác sĩ trên toàn quốc biết và lưu ý đến loại bệnh này.
“Theo tôi, ngộ độc botulinum không phải là nhiều hơn trước mà khả năng chẩn đoán bây giờ tốt hơn. Bên cạnh đó, các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ hiện đại hơn nên chẩn đoán dễ hơn”, TS. BS Lê Quốc Hùng chia sẻ.
TS. BS Lê Quốc Hùng cho biết, nguyên nhân gây ra ngộ độc botulinum là do vi khuẩn botulinum. Vi khuẩn này sống trong yếm khí, nghĩa là ở môi trường không có không khí, nồng độ oxy rất thấp thì vi khuẩn này mới hoạt động được. Vi khuẩn botulinum này có khắp nơi và nhiều nhất là ở các phần đất cát.
“Tất cả các loại thức ăn nào mà chúng ta chế biến, đóng gói, đóng hộp, đóng vào bao kín, không có oxy thì loại vi khuẩn này có khả năng phát triển…Như vậy, khả năng mà chúng ta nhiễm độc loại vi khuẩn này vẫn luôn luôn rình rập. Do đó, trong các công đoạn chế biến, bảo quản thực phẩm, đồ ăn, chúng ta cần đảm bảo phải sạch sẽ và không nên đóng kín nếu không có kỹ thuật tốt để tránh bị nhiễm loại vi khuẩn này. Ngoài ra, chúng ta cũng không nên ăn uống hay sử dụng các loại thực phẩm, đồ ăn quá hạn sử dụng, ôi thiu...”, TS. BS Lê Quốc Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ Trương Ngọc Phú khuyến cáo, các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý đến việc đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm tươi sống, không sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đối với thực phẩm đóng hộp, cần lựa chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy cách đóng gói an toàn, có ghi hạn sử dụng.
Khi phát hiện thực phẩm có màu, có mùi lạ cần thông báo với nhà bán hàng, nơi cung cấp hoặc cơ quan chức năng can thiệp. Tuyệt đối không tiêu thụ thực phẩm nghi ngờ và kém chất lượng để đảm bảo sức khỏe cũng như tính mạng cho mình và cả gia đình.
Việc điều trị cho bệnh nhân gặp khó khăn do độc tố trong thực phẩm như độc tố botulinum, độc do rắn cắn còn gặp nhiều khó khăn do thiếu thuốc hiếm để giải độc. Theo TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, thuốc hiếm là loại thuốc mà rất ít bệnh nhân cần dùng đến do chỉ được sử dụng khi giải độc tố đặc biệt.
Những loại thuốc hiếm thường có giá thành rất cao, nếu mua về mà không sử dụng trong thời gian dài có thể vi phạm vào tội lãng phí khi thuốc hết hạn sử dụng. Do đó, ngành y tế cần có cơ chế rõ ràng về mua sắm và dự trữ thuốc hiếm. Việc thành lập trung tâm lưu trữ thuốc hiếm quốc gia là điều cần thiết.
Theo Báo Tin Tức