Hiệp hội dệt may Việt Nam đề nghị ưu tiên cho doanh nghiệp mua vaccine COVID-19

18/05/2021 - 20:04

Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch; ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vắc xin tiêm phòng.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các khu công nghiệp trên cả nước, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) vừa gửi công văn tới Chính phủ, Bộ Y tế về việc hỗ trợ doanh nghiệp dệt may mua/tiêm vaccine COVID-19.

Theo Vitas, tình hình COVID-19 trên thế giới, châu Á và tại Việt Nam đang trở lên nghiêm trọng, đặc biệt tại các khu công nghiệp. Đây là mối lo lớn, ản hưởng đến sự tồn tại của các doanh nghiệp và việc làm, đời sống người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Ngành Dệt may Việt Nam là ngành có lực lượng lao động gần 3 triệu người, góp phần đảm bảo an ninh xã hội, đóng góp quan trọng về kim ngạch xuất khẩu, năm 2021, ngành dự kiến xuất khẩu 40 tỷ USD. 

Dệt may là một trong những ngành chịu tác động lớn từ dịch COVID-19. 

Từ khi dịch bùng phát năm 2020 đến nay, Việt Nam nổi lên trên trường quốc tế như một quốc gia điển hình về thành công trong phòng chống dịch và về giữ vững sản xuất ổn định, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không tiếp tục duy trì được điều này, thành quả của cả hệ thống chính trị, của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người lao động sẽ bị phá vỡ.

"Một doanh nghiệp chỉ cần bị giãn cách, cách ly không làm việc từ 14 - 21 ngày, coi như kế hoạch sản xuất một năm tan vỡ, hậu quả vô cùng to lớn. Doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, phá sản, người lao động mất việc không còn thu nhập", đại diện Vitas cho hay.

Cùng với đó, hiện nay, nhiều doanh nghiệp dệt may đã ký đơn hàng đến hết năm. Nếu không sản xuất, giao hàng đúng hạn doanh nghiệp sẽ bị phạt, hủy đơn hàng, thiệt hại toàn ngành có thể lên tới hàng tỷ USD và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam.

Từ những phân tích trên, Vitas đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine  cho các doanh nghiệp đông lao động ở khu vực trung tâm dịch. Bên cạnh đó, ưu tiên cho các doanh nghiệp được mua vaccine tiêm phòng cho người lao động (theo chủ trương xã hội hoá mà Chính phủ đề xuất) để đẩy nhanh quá trình miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm vaccine.

Ngoài ra, tạo điều kiện vận động các kênh đối tác, các tổ chức quốc tế, các nhãn hàng cùng phối hợp hành động để mang nguồn vaccine  về cho Việt Nam trên cơ chế doanh nghiệp cùng tham gia đóng góp.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 bằng với năm 2019 (khoảng 39 tỷ USD), nhưng vẫn có khả năng đạt cao hơn.

Với tình hình tiêm vaccine và tiến tới miễn dịch toàn cầu hiện nay, trong 6 tháng cuối năm, thị trường còn tiếp tục có những thông tin lạc quan hơn. Các mặt hàng may mặc trong 6 tháng cuối năm có đặc điểm là hàng thu - đông và sẽ có giá trị cao hơn. Do đó, mức độ tăng trưởng cả năm 2021 có thể đạt mức 10% và dệt may Việt Nam có thể quay trở lại mức xuất khẩu của năm 2019, sớm hơn tối thiểu một năm so với tổng cầu của thị trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với xu thế giảm giá ngặt nghèo, đặc biệt với những đơn vị kinh doanh mảng dệt và may.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng gặp phải những thách thức từ rủi ro trong quản trị dịch bệnh. Cho dù tình hình không bị đóng băng như năm 2020, nhưng cá biệt ở từng đơn vị, nếu không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa hoặc không may nhà máy nằm trong vùng dịch, phải đóng cửa, không sản xuất được, sẽ gây thiệt hại lớn. Bởi ngoài việc không sản xuất, không có thu nhập, doanh nghiệp sẽ vẫn phải trả một phần lương cơ bản cho người lao động và có nguy cơ chịu phạt các hợp đồng đã ký với khách hàng nước ngoài, trong khi không được hưởng các chính sách hỗ trợ chung (chính sách giãn nợ, giảm thuế, phí…).

Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)