Hiểu đúng về kinh tế tập thể

02/09/2022 - 07:22

Việt Nam từng có bước đi sai lầm khi áp dụng một cách nôn nóng, máy móc mô hình kinh tế tập trung, bao cấp, nhưng phải khẳng định rằng, phát triển kinh tế tập thể là tất yếu khách quan của mọi nền kinh tế. Trong định hướng phát triển kinh tế tập thể, bên cạnh việc thẳng thắn nhìn nhận những khiếm khuyết để khắc phục, tìm ra những giải pháp khả thi để đưa kinh tế tập thể trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, cũng cần phải kiên quyết đấu tranh loại bỏ những luận điệu xuyên tạc, võ đoán về kinh tế tập thể.

Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận một cách dân chủ, thẳng thắn, sôi nổi và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới (Nghị quyết 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022).

Trước thông tin này, trên một số diễn đàn, mạng xã hội, trang điện tử xuất hiện những luận điệu xuyên tạc, chống phá của một số phần tử xấu, thế lực thù địch. Chúng cho rằng: Việt Nam đang tìm cách “quay trở lại” nền kinh tế bao cấp, quan liêu; Việt Nam tập trung cho kinh tế tập thể, ưu ái doanh nghiệp nhà nước, kìm kẹp kinh tế thị trường; kinh tế tư nhân, đầu tư nước ngoài khó có “đất sống” ở Việt Nam; người dân sẽ lại khổ khi bị “ép” vào hợp tác xã (HTX)…

Thực tế, trước khi ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW, Trung ương đã tiến hành tổng kết 20 năm (2002-2021) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tư vấn các chuyên gia trong, ngoài nước. Tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII), các đại biểu thảo luận kỹ lưỡng, sâu sắc và thống nhất cao về sự cần thiết phải tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò và những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của khu vực kinh tế tập thể.

Theo đánh giá của Trung ương, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Điều đó thể hiện qua nhận thức về phát triển kinh tế tập thể, mà trọng tâm là HTX trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên; chính sách, pháp luật về kinh tế tập thể được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển; HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động; liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Đối với tổ hợp tác, có cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân.

Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, yếu kém của kinh tế tập thể. Trong đó, đáng lưu ý là năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế; phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu; các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến…

Không né tránh khuyết điểm, Đảng đã thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém. Trong đó, nhấn mạnh đến nhận thức của nhiều cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa đầy đủ, thiếu thống nhất; còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình HTX thời kỳ bao cấp; hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Định kiến cũ, sự hoài nghi, thiếu niềm tin cũng là những vấn đề mà các thế lực chống phá lợi dụng tác động, tuyên truyền, xuyên tạc liên tục thời gian qua.

Việc Trung ương ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là dựa trên cơ sở đánh giá một cách bài bản, khách quan, nghiêm túc về các kết quả đạt được, hạn chế và nguyên nhân của kinh tế tập thể; có phân tích bối cảnh mới trong nước, quốc tế; những vấn đề đặt ra đối với việc khẳng định vai trò, vị trí và phát triển, nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể. Trung ương xác định rõ 5 quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể đối với khu vực kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, cùng với đó là 5 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và phân công các đơn vị tổ chức thực hiện.

Có thể khẳng định rằng, việc ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới là yêu cầu cấp thiết hiện nay, phù hợp với thực tiễn, tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030, nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Kinh tế tập thể cùng với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đều có vai trò, vị trí, đóng góp riêng; không hề có chuyện tập trung phát triển kinh tế tập thể là để “xóa bỏ kinh tế thị trường”, “ép người dân vào HTX” hay “chèn ép kinh tế tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài” như những luận điệu xuyên tạc, chống phá.

NGÔ HOÀNG