Các doanh nghiệp xuất khẩu duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19. (Nguồn: TTXVN)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về nghiên cứu, tham khảo báo cáo APCI 2022 và báo cáo Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Công văn cho biết thực hiện nhiệm vụ được giao, Hội đồng đã xây dựng báo cáo “Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính 2022” (APCI 2022) và báo cáo “Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19."
Báo cáo được Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính gửi Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để nghiên cứu, tham khảo, phục vụ nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng, triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn bình thường mới cũng như sẵn sàng đối phó với các tình huống bất thường như đại dịch COVID-19.
Các báo cáo trên do Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ thông qua Dự án hỗ trợ kỹ thuật Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME).
Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19” nhằm rà soát, nghiên cứu những vướng mắc, bất cập trên thực tế và tìm kiếm những bài học kinh nghiệm trong thiết kế và triển khai thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong các trường hợp khẩn cấp và suy thoái nghiêm trọng như dịch COVID-19.
Đồng thời, báo cáo đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp sửa đổi chính sách hoặc cải thiện việc thực hiện các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hiện hành liên quan đến phục hồi sản xuất sau đại dịch, nâng cao khả năng tiếp cận với các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Báo cáo đưa ra nội dung đáng chú ý qua khảo sát là mối quan hệ tỷ lệ nghịch giữa doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi từ chính sách với mức độ hiệu quả của các chính sách trong hỗ trợ doanh nghiệp.
Các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi thấp hơn (nhóm chính sách hỗ trợ về tài chính-tín dụng và nhóm chính sách hỗ trợ về thúc đẩy xuất khẩu-bảo vệ chuỗi cung ứng) lại được doanh nghiệp đánh giá là có hiệu quả tốt hơn, có ý nghĩa hỗ trợ tích cực hơn đối với doanh nghiệp so với các chính sách có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận và hưởng lợi cao.
Vấn đề này gợi mở cho việc xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ sau này cần phải bảo đảm tính công bằng, đúng nhu cầu nhưng không cào bằng trong việc hỗ trợ.
Báo cáo APCI 2022 chỉ ra rằng nhóm thủ tục hành chính môi trường có mức chi phí tuân thủ cao nhất. Để thực hiện thủ tục hành chính trong nhóm môi trường năm 2022, trung bình mỗi doanh nghiệp mất 259,2 giờ (khoảng 32,4 ngày làm việc) và 23,6 triệu đồng chi phí trực tiếp.
Các quy định mới về các thủ tục môi trường yêu cầu hàm lượng chuyên môn cao với nhiều thông tin cần cung cấp trong bộ hồ sơ và tài liệu cần nộp.
Sự lúng túng trong việc hiểu và áp dụng các quy định mới không chỉ xảy ra với doanh nghiệp mà còn cả với các cơ quan quản lý cấp địa phương. Điều này làm gia tăng các chi phí tuân thủ của doanh nghiệp. Dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục môi trường cấp tỉnh vẫn ở mức thấp. Chi phí không chính thức vẫn phổ biến ở mức 6,3%./.
Theo TTXVN/Vietnam+