Hiệu quả hợp tác giữa An Giang và Pitea

31/01/2023 - 08:18

 - Nâng cao năng lực quản lý chất thải nông nghiệp, từ năm 2012, các dự án hợp tác giữa hai tỉnh An Giang (Việt Nam) và Pitea (Thụy Điển) đạt nhiều kết quả, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu; giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về giá trị của phụ phẩm nông nghiệp, đóng góp vào sự kết nối nền kinh tế tuần hoàn của thế giới và Việt Nam.

Đoàn An Giang sang Pitea (Thụy Điển) trao đổi kinh nghiệm

Theo bà Phạm Ngọc Xuân (Giám đốc Ban Quản lý dự án hợp tác An Giang - Thụy Điển), các dự án được triển khai từ năm 2012-2023, gồm: An Giang và Pitea - Cộng đồng bền vững; Kế hoạch hành động tận dụng phế phẩm lúa gạo; thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững. Quá trình triển khai, nông dân nhận thức rõ vai trò quan trọng của ngành nông nghiệp; thay đổi phương thức canh tác và áp dụng các chương trình trình diễn sử dụng rơm rạ; đóng góp ý tưởng cho chiến lược và kế hoạch hành động… Nhất là, nâng cao ý thức giá trị của trấu và rơm rạ. Nếu như trước đây, nông dân thường đốt rơm rạ (xem là chất thải) sau khi thu hoạch lúa, nay tận dụng để trồng nấm rơm, ủ rơm làm phân hữu cơ, thức ăn gia súc; phụ phẩm lúa gạo được coi là tài nguyên quý (trấu, rơm, tro…); biến chất thải thành năng lượng...

Theo đó, việc triển khai dự án đã tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối cây lúa trong bối cảnh biến đổi khí hậu cho tỉnh An Giang. Rơm rạ được thu gom để sản xuất các mô hình góp phần giảm phát thải khí nhà kính (do không còn đốt bỏ như trước); việc bán rơm còn giúp nông dân thu được khoảng 22 USD/ha/vụ lúa. Trong xây dựng năng lực, đã tập huấn cho nông dân, doanh nghiệp (DN), cán bộ; nâng cao kiến thức và kinh nghiệm thông qua những chuyến tham quan học tập, hội thảo… và xây dựng “cộng đồng bền vững lúa gạo tỉnh An Giang”.

Đặc biệt, dự án “Thực hiện kế hoạch hành động vì một tỉnh An Giang phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2023, đã hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động “Quản lý và sử dụng hiệu quả sinh khối cây lúa trong bối cảnh biến đổi khí hậu” tỉnh An Giang đến năm 2030; hỗ trợ hình thành cụm mạng lưới về sử dụng và quản lý sinh khối cây lúa, năng lượng tái tạo, gia tăng chuỗi giá trị nông sản và nông sản xanh; hỗ trợ các hoạt động xử lý phế phẩm lúa gạo thành năng lượng…

PGS.TS Nguyễn Thị Vân Hà (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Đây là mô hình rất hiệu quả, chắc chắn sẽ được tiếp tục duy trì, nhân rộng ở An Giang và các tỉnh lân cận. Từ dự án này có thể mở ra nhiều dự án khác. Người dân An Giang cần cam kết mạnh mẽ tiếp tục dự án để mang tới nhiều thành quả hơn. Bản thân tôi đang tìm kiếm thêm các nguồn kinh phí khác để hỗ trợ nông dân thực hiện mô hình này nhiều hơn”.

Quá trình triển khai dự án đã có một số DN tham gia lập phương án nhà máy điện trấu, tích cực khai thác, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm từ trấu, rơm, rạ… Một số DN kinh doanh thành công, như: Tập đoàn Sao Mai (triển khai dự án điện năng lượng mặt trời); Công ty TNHH MTV JIC Việt Nam (công ty của Nhật Bản đang hoạt động tại Cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Tân Trung, huyện Phú Tân), sử dụng silica từ trấu để sản xuất các vật liệu có giá trị kinh tế cao hơn (sản xuất vật liệu cách nhiệt can-xi silicat để cách nhiệt cho đường ống nhiệt độ cao trong các nhà máy hóa dầu, nhà máy lọc dầu, nhà máy điện…); nhiều DN vừa và nhỏ sử dụng trấu làm viên nén (năng lượng sinh khối) để xuất khẩu sang Châu Âu; nhiều DN sử dụng rơm để trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi…

Theo nhận định của Tổng Lãnh sự Thụy Điển, trong nhiều dự án hợp tác giữa Thụy Điển với các tỉnh, thành phố ở Việt Nam, thì dự án hợp tác giữa An Giang - Pitea thành công nhất, mang lại nhiều kết quả. Còn theo nhận xét của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án hợp tác giữa An Giang - Pitea là rất điển hình. Tuy dự án không lớn về mặt tài chính, nhưng góp phần thay đổi tư duy về sử dụng chất thải nông nghiệp để sản xuất bền vững. Mong rằng, khi dự án kết thúc thì những kết quả cần được ứng dụng vào thực tế cuộc sống - đây mới là hiệu quả quan trọng từ dự án mang lại.

“Định hướng sắp tới của Chính phủ, ngành nông nghiệp Việt Nam phải thay đổi theo hướng “sinh thái - xanh - tuần hoàn”. Đây sẽ là mô hình điểm để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhân rộng ra các tỉnh, thành phố thông qua việc sử dụng phụ phẩm nông nghiệp, quản lý và bảo vệ môi trường, tăng thu nhập cho nông dân” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư nhấn mạnh.

HỮU HUYNH