Hình ảnh chuột trong văn hóa dân gian

24/01/2020 - 09:10

 - 

Trong thành ngữ

 Đầu tiên là các hình ảnh được so sánh giống như hình dáng, tính cách, đặc trưng của con chuột. Đó là “Ướt như chuột lột” chỉ ướt sũng, ướt hết từ đầu đến chân. “Lôi thôi như mèo sẩy chuột” chỉ sự thẩn thờ, ngơ ngác của người đang tiếc rẻ, vì trót lầm lỡ một dịp may nào đó. 

Ở cấp độ mỉa mai, châm biếm, đả kích, giễu cợt thậm chí là khuyên răn hãy cảnh giác “Ném chuột vỡ lu”, hành động không mang tới kết quả gì đáng kể, trong khi lại gây ra tổn thất lớn hơn nhiều. 

“Bày đường chuột chạy” nghĩa là chỉ cách cho kẻ xấu tránh bị trừng phạt. “Chuột chù đeo chuông” chỉ kẻ xấu xa lại tỏ ra là tốt, lên mặt dạy đời. “Chuột đội vỏ trứng” là che giấu bản chất xấu xa bằng cái mã tốt đẹp, hào nhoáng bên ngoài.

“Chuột sa hũ nếp” là may mắn, gặp được nơi sung sướng, đầy đủ một cách tình cờ ngẫu nhiên. “Cháy nhà lòi mặt chuột” là do xảy ra biến cố mà mới phơi bày, lộ tẩy sự thật hoặc thấy rõ chân tướng của người liên quan. “Chuột chạy hở đuôi” không che giấu được toàn bộ hành vi, sự việc, bị lộ một phần bí mật. 

“Đầu voi đuôi chuột” chỉ chủ trương, kế hoạch, việc làm lúc đầu có vẻ to tát, thuận lợi, nhưng cuối cùng bỏ dở dang hoặc không đạt được kết quả tương xứng. “Nói dơi nói chuột” nghĩa là nói linh tinh, không có cơ sở, căn cứ gì hoặc không có nội dung cụ thể.

Qua những lời thơ ngụ ngôn và ứng xử

Bài ca dao ngụ ngôn quen thuộc: “Con mèo trèo lên cây cau/Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà/Chú chuột đi chợ đường xa/Mua mắm mua muối về giỗ cha con mèo”. Phải nói rằng đây là hai câu ca mà hầu như bất cứ người Việt Nam nào đều biết, đều thuộc.

Nghe như đơn giản nhưng bài thơ thâm thúy ở chỗ đã lột mặt nạ bọn người gian ác, mặt đạo đức giả. Mèo đời nào tốt đến mức phải đến hỏi thăm chuột. Tìm người, để hãm hại mà giở giọng “thăm” thì quả là thâm thật!

Song, người thấp cổ bé họng đâu dễ bị mắc lừa. Chuột đã chạy thoát, và còn … nhắn lại để đáp lời thăm của mèo, rằng bận đi chợ, mua những thứ xoàng xĩnh nhất là mắm, muối về để lo… giỗ cha kẻ không mời mà đến kia! Một cái tát mạnh, thẳng tay vào bộ mặt của kẻ giả nhân giả nghĩa!

Trong nghệ thuật

Những ai đã từng xem tranh dân gian Đám cưới chuột, hẳn sẽ thấy loài chuột hóm hỉnh như thế nào. Bức tranh mô tả một đám cưới xưa, có cả cờ, quạt, kèn, trống và các loại lễ vật.

Đây là đám cưới khá quy mô của “nàng” chuột và “chàng” chuột - những “nhân vật” đại diện cho kẻ yếu thế trong xã hội. Xem bức tranh ta thấy, giữa đoàn rước là 2 nhân vật chính, “chàng” chuột đội mũ, cưỡi ngựa đi trước, “nàng” chuột ngồi kiệu theo sau.

Bọn chuột đi trên con đường chẳng lấy gì là bằng phẳng. Đã vậy, giữa đường lại có một “lão” mèo già hung dữ cản lối. “Lão” mèo giơ vuốt dọa nạt và tỏ ra rất quyền uy. Tranh “Đám cưới chuột” là minh chứng sống động cho quan hệ kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu trong xã hội phong kiến.

 Qua những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, nghệ thuật chứa hình ảnh chuột, chúng ta thấy được đời sống tâm hồn của người bình dân hết sức phong phú và đa dạng. Tất cả đã trở thành một trong những nét văn hoá nhận thức bình dị, gần gũi của người dân đất Việt.

Bài, ảnh: TRÚC PHA

 

Liên kết hữu ích