Hình ảnh con lợn trong văn hóa dân gian

03/02/2019 - 07:00

 - Lợn (còn được gọi là heo) là con vật có mối quan hệ mật thiết với con người. Xa xưa, có lợn mẹ nghĩa là có khả năng sinh sản và mang lại sự giàu có, bởi chúng mang đến nguồn tài chính ổn định và cuộc sống tốt đẹp cho gia đình. Hình ảnh con lợn đã gắn bó với đời sống người dân, nhất là trong lời ăn, tiếng nói hay các loại hình nghệ thuật.

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” đã hiển hiện về trong nỗi nhớ quê hương da diết của nhà thơ Hoàng Cầm trong tác phẩm “Bên kia sông Đuống”. Điều đó không chỉ thể hiện sự tự hào về một làng nghề truyền thống vẽ tranh Đông Hồ, mà còn biểu hiện rõ nét đặc trưng trong đời sống của người dân Bắc Bộ - đó là nghề chăn nuôi. Bức tranh là biểu tượng của sự sung túc, no đủ, phồn thực nên người ta hay dành tặng nhau như lời chúc tụng năm mới gặp nhiều may mắn, con cháu đông vui, phúc lộc.

Trong văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh con lợn được thể hiện trong điêu khắc. Đó chính là con lợn đất nung sơn màu với thân mình màu đỏ, tai màu xanh, với các cỡ to nhỏ khác nhau, rỗng lòng bên trong và khía một rãnh nhỏ để dành cho trẻ con ngày xưa bỏ đồng xu tiết kiệm. Khi “lợn đất” đầy ắp xu, hào, bèn “mổ lợn”, đếm được bao nhiêu tiền tiết kiệm sẽ đem ra chi tiêu trong những ngày giáp Tết. Ngày nay, nhiều cha, mẹ đã hướng dẫn con cái biết tiết kiệm bằng cách bỏ ống heo, nhà trường kêu gọi học sinh bỏ ống heo tiết kiệm giúp bạn học nghèo, các tổ phụ nữ bỏ ống heo giúp nhau làm kinh tế.

Không chỉ trong nghệ thuật mà trong đời sống hàng ngày, các câu nói cửa miệng, thành ngữ, tục ngữ, thơ ca của người bình dân cũng đầy ắp hình ảnh con lợn. Với đặc tính háu ăn, tham lam, ở bẩn nên khi muốn chế giễu tính xấu của ai đó, người ta thường so sánh “Mập như heo”, “Háu ăn như heo”, “Bẩn như heo”. Để phê phán tính khoe khoang, người ta dùng truyện cười “Lợn cưới, áo mới”. Cuộc đối đáp giữa 2 anh chàng hay khoe “Bác có thấy con lợn cưới của tôi chạy qua hay không?”, “Từ lúc tôi mặc cái áo mới này, tôi chẳng thấy con lợn nào chạy qua cả” vừa gây tiếng cười, vừa là chế giễu tính hay khoe khoang của người nhà giàu và nhà nghèo mới vừa sắm sửa được ít của. Hoặc chê trách người thích đưa việc vào người, người ta nói “Lợn trong chuồng thả ra mà đuổi”. “Lợn không cào, chó nào sủa” ý nói nếu không có nguyên nhân làm sao có hệ quả, nhằm khuyên có sự kiềm chế trong giao tiếp. Để thể hiện kinh nghiệm trong ăn uống cân bằng âm dương, đảm bảo sức khỏe, người ta đúc kết bằng câu “Con gà cục tác lá chanh, con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi”.

Thể hiện kinh nghiệm mua heo hay nhận xét về người mới gặp, người ta dùng câu “Trông mặt mà bắt hình dong/Con lợn có béo bộ lòng mới ngon”. Trong chuyện tình cảm, lựa chọn người hôn phối, người ta khuyên bảo nhau phải dùng kinh nghiệm để lựa chọn đối phương như câu “Mua heo chọn nái, cưới gái chọn dòng”, ý nói nếu chọn được người con gái tốt, có gia đình, dòng họ phúc đức, nề nếp thì mới mong cuộc hôn nhân được hạnh phúc vững bền. Cũng trong tình yêu đôi lứa, đó còn là nỗi than thân, trách phận của những người nghèo khó, hai người thật lòng yêu nhau tiến đến cưới xin lại vấp phải các tục thách cưới, nộp cheo: “Nuôi heo thì phải vớt bèo/Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng”, “Cưới em anh nghĩ cũng lo/Con lợn chẳng có, con bò thì không”. Khi yêu nhau không đến được với nhau thì than: “Yêu nhau chả lấy được nhau/Con lợn bỏ đói, buồng cau bỏ già”. Khi cả hai đã không còn yêu thương nhau, người ta cũng dùng hình ảnh con lợn: “Còn duyên anh cưới ba heo/Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi”. Hay để chế giễu cuộc sống khốn khổ của người đào hoa, lắm vợ, người ta lại dùng hình ảnh dí dỏm: “Một vợ nằm giường lèo/Hai vợ nằm chèo queo/Ba vợ ra chuồng heo mà nằm”.

Còn biết bao câu nói dân gian đầy ắp hình ảnh con lợn mang tính chế giễu có, giáo dục có đã bao đời trở thành thói quen ăn nói, giao tiếp của người bình dân. Đó là một kho tàng ngôn ngữ, những kinh nghiệm sống quý báu được đúc kết và trao truyền qua nhiều thế hệ. Đầu năm Kỷ Hợi, lạm bàn đôi chút về hình ảnh lợn trong văn hóa dân gian như sự trân quý và giữ gìn những hình ảnh, giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của dân tộc.

TRÚC PHA

 

Liên kết hữu ích