Hình thành văn hóa từ chức trong Đảng

16/12/2022 - 07:05

 - Bộ Chính trị ban hành Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức và Thông báo Kết luận 20-KL/TW về bố trí cán bộ bị kỷ luật tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên tự nguyện từ chức khi uy tín giảm sút, không đủ năng lực đảm nhiệm vị trí công tác. Đây là một trong những cách đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhằm giúp Đảng trong sạch vững mạnh hơn. Hoàn toàn không phải để triệt hạ lẫn nhau, tạo bè kết cánh như một số luận điệu xuyên tạc.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) tại điểm cầu An Giang

Tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII) được tổ chức ngày 5 và 6/12/2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt chuyên đề: “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới” (Nghị quyết 28-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6).

Theo bà Trương Thị Mai, các kỳ đại hội gần đây của Đảng đều đặc biệt nhấn mạnh công tác đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Đại hội XIII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới là một trong 10 nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng.

Trên thực tế, nhờ đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy, loại khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách, thoái hóa, biến chất. Từ năm 2013-2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra 14.300 vụ, 24.410 bị can, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ, 22.600 bị cáo về tham nhũng, kinh tế, chức vụ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, không chỉ là triệt tiêu những “mụn nhọt” trong Đảng, mà còn tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, mất uy tín tự nguyện rời vị trí công tác để tu dưỡng, rèn luyện thêm. Cơ sở cho phương thức này là Quy định 41-QĐ/TW về miễn nhiệm, từ chức và Thông báo kết luận 20-KL/TW, ngày 8/9/2022 của Bộ Chính trị về bố trí cán bộ bị kỷ luật (Thông báo 20).

Qua hơn 2 tháng thực hiện Thông báo 20, đã có 3 nhân sự thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII), thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác; 2 thứ trưởng thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác, nghỉ hưu trước tuổi; 2 phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh thôi giữ chức vụ, nghỉ công tác hoặc bố trí công tác khác.

Điều này đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong công tác cán bộ, không chỉ góp phần thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút, mà còn bước đầu hình thành “văn hóa từ chức”. “Thông báo 20 rất nghiêm. Cán bộ đã bị kỷ luật rồi, không còn uy tín để làm việc nữa, dư luận bức xúc thì cán bộ cũng tự nguyện xin thôi. Hoặc nếu không xin thôi, còn trẻ tuổi, bố trí tạo điều kiện cho tiếp tục phấn đấu, nhưng cũng không để ở vị trí cũ” - bà Trương Thị Mai thông tin.

Trên một số diễn đàn mạng, các thế lực thù địch, chống phá rêu rao, xuyên tạc rằng: “Cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất là triệt tiêu cán bộ giỏi để chia bè, kết cánh”; “Không hợp lợi ích nhóm, nhiều cán bộ cao cấp bị ép từ chức”; “Nhiều cán bộ bị “đẩy” khỏi hệ thống lợi ích”; “Nghề” làm cán bộ ở Việt Nam dễ bị kỷ luật…

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc một số cán bộ chủ động xin thôi nhiệm vụ, rời vị trí công tác khi không đảm đương tốt trong thời gian gần đây là chuyển biến tích cực trong công tác cán bộ, trở thành hành vi ứng xử văn hóa, tạo ra nền hành chính văn minh dựa trên phẩm giá và lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Có thể nói, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 41, Thông báo 20 với một số điểm mới, đã “mở đường” cho cán bộ nói lời từ chức một cách nhẹ nhàng mà không chờ hết nhiệm kỳ, không chờ hết thời gian bổ nhiệm; thực hiện theo đúng phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ.

Trong đó, Thông báo 20 mang tính nhân văn, nhân đạo: Cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nếu tự nguyện xin nghỉ việc, nghỉ hưu trước tuổi thì cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương, xem xét từng trường hợp cụ thể, bố trí công tác theo hướng giảm 1 cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật (nếu còn đủ tuổi công tác).

Sau quá trình công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.

Bên cạnh xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm, việc Đảng “mở đường” để cán bộ có khuyết điểm hoặc năng lực không đáp ứng vị trí công việc tự nguyện từ chức là tốt cho Đảng, cho dân, giúp cán bộ “ngã chỗ nào đứng lên chỗ đó”, tự rèn luyện, phấn đấu để hoàn thiện hơn.

Như vậy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đang giúp bộ máy của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh hơn, trong đó việc hình thành “văn hóa từ chức” là văn minh, nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện. Đây hoàn toàn không phải là hình thức “chèn ép”, mượn cớ “triệt tiêu” cán bộ vì “lợi ích nhóm” như một số luận điệu xuyên tạc, chống phá.

N.H