Tại một thiên hà xa xôi cách Trái đất 900 triệu năm ánh sáng, một hố đen nuốt chửng một ngôi sao neutron. 10 ngày sau đó tại thiên hà khác cách hành tinh của chúng ta 1 tỷ năm ánh sáng, hiện tượng tương tự xảy ra. Hai sự kiện riêng biệt này gây ra những gợn sóng xuyên thời gian và không gian trước khi chạm tới Trái đất.
Các gợn sóng lần lượt được phát hiện vào các ngày 5-1-2020 và 15-5-2020 cung cấp cho các nhà nghiên cứu hai cái nhìn khác biệt về các vụ va chạm chưa từng ghi nhận trước đây.
“Đây là phát hiện đầu tiên về sự hợp nhất giữa hố đen và sao neutron. Các hố đen nuốt chửng các ngôi sao neutron, tạo ra các lỗ đen lớn hơn", Chase Kimball, nhà nghiên cứu tới từ Đại học Northwestern và là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.
Hình minh họa hố đen nuốt chửng sao neutron. (Ảnh: Đại học Swinburne Australia)
Các nhà vật lý thiên văn tin rằng các vụ va chạm giữa hố đen và sao neutron có thể xảy ra, nhưng họ chưa tìm thấy bằng chứng về sự kiện này.
"Từ lâu chúng tôi nghĩ rằng chúng tồn tại. Xác nhận trực tiếp đầu tiên này giúp điều chỉnh các mô hình vật lý thiên văn trong tương lai với các quần thể sao trong vũ trụ của chúng ta và các tàn tích của chúng tương tác với nhau”, Kimball cho hay.
Sao neutron là xác của những ngôi sao lớn gấp 10 đến 30 lần mặt trời, trong khi lỗ đen là những vùng không gian ngưng tụ, trong đó lực hấp dẫn mạnh đến mức không một tia sáng nào có thể thoát ra được.
Theo Kimball, khi những vật thể thiên văn này gặp nhau, chúng xoắn xung quanh nhau "như một vũ điệu", phát ra sóng hấp dẫn cho đến khi chúng va chạm vào nhau.
Kimball cho biết các nhà vật lý thiên văn sẽ cần quan sát nhiều hơn nữa về phát hiện mới này để tìm thêm các đặc điểm của nó.
"Làm thế nào mà chúng va chạm với nhau? Các sao neutron chính xác có khối lượng như thế nào? Có rất nhiều điều cần giải đáp", Kimball cho hay.
Theo DIỆU HOA (VTC News)