Hỗ trợ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm chủ lực

10/09/2024 - 02:40

 - Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT), nhằm thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và phát triển quyền SHTT. Đặc biệt, tập trung chương trình hỗ trợ bảo hộ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm chủ lực địa phương, chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) An Giang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT), nhằm thúc đẩy sáng tạo, xác lập, khai thác và phát triển quyền SHTT. Đặc biệt, tập trung chương trình hỗ trợ bảo hộ phát triển tài sản trí tuệ cho sản phẩm chủ lực địa phương, chính sách phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Sở KH&CN An Giang cho biết, năm 2023, đơn vị đã hướng dẫn hồ sơ thủ tục đăng ký xác lập sở hữu công nghiệp đối với 30 nhãn hiệu cá thể, 3 sáng chế, 2 kiểu dáng công nghiệp cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp; tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt 120 triệu đồng hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ trong nước cho 10 nhãn hiệu cá thể; trình phê duyệt cho phép sử dụng địa danh “An Giang” để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận gạo An Giang và đăng ký bổ sung “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang”.

Sản phẩm mật ong Trà Sư được hỗ trợ nhãn hiệu, thương hiệu

Đồng thời, trao quyền sử dụng “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang” cho 5 tổ chức, cá nhân; gia hạn trao quyền sử dụng nhãn hiệu cho 10 tổ chức, cá nhân; hỗ trợ 80.000 tem “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang” cho 5 tổ chức, cá nhân, được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Qua đó, giúp người tiêu dùng nhận biết nguồn gốc đây là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Với nhiều sản phẩm chủ lực và thế mạnh, đến nay, sản phẩm nhãn hiệu Antesco đã chiếm lĩnh thị trường nội địa và xuất khẩu đến nhiều nước. Anh Ngô Vạn Toàn, phụ trách kinh doanh nội địa Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) cho biết: “Thời gian qua, Sở KH&CN hỗ trợ Antesco rất nhiều. Trong đó, hỗ trợ gắn nhãn mác “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang” để sản phẩm của Antesco được giới thiệu tới người tiêu dùng cả nước. Khi có nhãn hiệu này, người tiêu dùng xác nhận đây là sản phẩm, đặc sản của An Giang. Nhãn hiệu Antesco cũng được Sở KH&CN hỗ trợ, chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, giúp Antesco phát triển logo này trên tất cả sản phẩm”.

6 tháng đầu năm 2024, Sở KH&CN hướng dẫn hồ sơ đăng ký 1 giải pháp hữu ích, 9 nhãn hiệu, gia hạn 4 nhãn hiệu, sửa đổi giấy chứng nhận đăng ký 2 nhãn hiệu; trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ chi phí đăng ký bảo hộ trong nước đối với 21 nhãn hiệu.

Đồng thời, trao quyền sử dụng “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang” cho 4 doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang - Antesco, hộ kinh doanh ANAS, Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới; hộ kinh doanh Phạm Thanh Lâm); gia hạn trao quyền sử dụng “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang” cho hộ kinh doanh Kim Loan (huyện Chợ Mới). Ngoài ra, cấp 12.000 tem “Nhãn hiệu chứng nhận An Giang” cho hộ kinh doanh Kim Loan, hộ kinh doanh 7 Chóp (huyện Thoại Sơn) và Hợp tác xã trái cây GAP Chợ Mới (huyện Chợ Mới).

Tại Cơ sở kinh doanh Trại nuôi mật ong rừng tràm Trà Sư  (TX. Tịnh Biên), hoạt động hỗ trợ kinh phí đăng ký nhãn hiệu xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm mật ong rừng tràm Trà Sư của Sở KH&CN đã giúp cơ sở có điều kiện đầu tư xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm chất lượng và mở rộng thị trường.

Chị Đặng Phạm Mạnh Quỳnh (chủ cơ sở) chia sẻ: “Cuối năm 2023, đầu năm 2024, Sở KH&CN, Cục sở hữu trí tuệ hỗ trợ cho mật ong Trà Sư về nhãn mác thương hiệu. Nhờ sự hỗ trợ này, sản phẩm mật ong đi rất nhiều thị trường và tham gia các hội chợ của tỉnh để quảng bá sản phẩm mật ong Trà Sư. Nhờ tên nhãn hiệu, thương hiệu “trasuhoney” và được sự hỗ trợ của tỉnh, nên cơ sở đã phát triển sản lượng mật ong hoa tràm ngày càng nhiều hơn. Sản phẩm được nhiều người biết đến và khẳng định tên tuổi mật ong của rừng tràm Trà Sư An Giang”.

Sản phẩm Antesco được hỗ trợ nhãn hiệu, thương hiệu

Sở KH&CN An Giang cho biết, hiện nay, công tác quản lý Nhà nước về SHTT được duy trì và triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, kịp thời cập nhật quy định mới, hướng dẫn tổ chức, cá nhân về hồ sơ, thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể tiếp cận dễ dàng với thủ tục đăng ký, nắm rõ quy trình thẩm định đơn, công bố và cấp văn bằng/giấy chứng nhận đăng ký của Cục SHTT.

Bên cạnh đó, thông qua hướng dẫn, hỗ trợ, chủ thể biết cách xác lập, bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản trí tuệ, tránh xâm phạm và bị xâm phạm quyền đối với chủ thể khác. Nhờ vậy, người sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xác lập, bảo hộ, khai thác và phát triển các quyền SHTT, có ý thức hơn trong việc tôn trọng và bảo vệ quyền SHTT. Tạo dựng được một hệ thống bảo hộ quyền SHTT mạnh và hoàn thiện là một nhân tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển kinh tế dài hạn, đồng thời cũng là đòi hỏi bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế.

HẠNH CHÂU