Gian hàng OCOP tại siêu thị Tứ Sơn
Tạo điều kiện trải nghiệm sản phẩm
Là một người trẻ khởi nghiệp, chị Quách Yến Phượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang (TP. Long Xuyên), nhận thấy việc đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh An Giang) như một cách bảo trợ thương hiệu, xây dựng uy tín sản phẩm để tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng. Sau khi đạt chứng nhận OCOP đối với sản phẩm trà xạ đen (giữ nguyên thân và lá), Công ty TNHH MTV TMDV Thảo An Khang tiếp tục được UBND tỉnh cấp chứng nhận OCOP đối với sản phẩm trà xạ đen túi lọc.
Các sản phẩm trà xạ đen thương hiệu Thảo An nằm trong số những sản phẩm OCOP khá thành công của tỉnh trong nỗ lực tiếp cận thị trường. Hiện nay, sản phẩm trà xạ đen Thảo An đã có mặt tại nhiều kênh phân phối truyền thống, sàn thương mại điện tử, là một trong những sản phẩm chủ lực trong gói quà tặng đặc sản An Giang. “Bí quyết” thành công ban đầu của bà chủ “9X” là trực tiếp tạo điều kiện cho người dùng trải nghiệm sản phẩm mỗi khi có cơ hội.
“Mỗi dịp tham dự hội chợ, hội nghị, ngày hội… chúng tôi đều chuẩn bị bình đun nước, bình pha trà, khai đựng, ly uống trà. Những bình trà xạ đen liên tục được pha nóng để mời khách uống, tự cảm nhận hương vị. Thấy trà ngon, có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe, khách mua dùng thử rồi sau đó đặt mua thường xuyên. Phải mất gần 3 năm xây dựng thương hiệu, thị trường, người tiêu dùng mới biết đến sản phẩm của mình” - chị Quách Yến Phượng chia sẻ.
Cũng với cách tiếp cận này, trà xạ đen Thảo An (dạng lá và túi lọc) là một trong những sản phẩm OCOP của An Giang đạt doanh số bán hàng cao tại Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành phố năm 2021 (diễn ra tại TP. Châu Đốc từ ngày 22-4 đến 25-4-2021). Đây là sản phẩm thu hút khá đông người mua tại cụm gian hàng OCOP 4 tỉnh ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) và đặc sản các vùng, miền, được tổ chức tại siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc).
“Từ khi đặt gian hàng trong siêu thị Tứ Sơn, tôi để ý thấy cô giám đốc trẻ cuối tuần là đến siêu thị trực tiếp rót trà mời khách. Nhờ vậy khách hàng biết được đây là sản phẩm của ai, nguồn gốc và quy trình sản xuất thế nào, tác dụng sản phẩm ra sao… Hàng chục năm kinh nghiệm ở siêu thị Tứ Sơn cho thấy, sản phẩm nào mà doanh nghiệp (DN) có sự quan tâm chăm chút, chịu khó tiếp cận trực tiếp và lắng nghe khách hàng thì khả năng xây dựng thành công thị trường khá cao” - Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn Tạ Minh Sơn chia sẻ.
Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá
Có thể lấy thành công của Ngày hội sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng các tỉnh, thành phố năm 2021 (Ngày hội OCOP), do An Giang lần đầu tiên tổ chức để đánh giá về cách tiếp cận khách hàng, xây dựng thương hiệu, uy tín cho sản phẩm. Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Lê Trung Hiếu cho biết, qua 4 ngày tổ chức, sự kiện này thu hút trên 100.000 lượt khách tham quan, mua sắm, với tổng doanh số bán hàng đạt khoảng 20 tỷ đồng.
Ngày hội tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng bởi đảm bảo thực hiện tiêu chí “3 sạch” như cam kết ban đầu. Đó là “sạch” về nội dung (từ cổng chào cho đến các gian hàng chỉ thể hiện nội dung Ngày hội OCOP, không xen quảng cáo tạp nham); “sạch” về sản phẩm (chỉ trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và hàng hóa đặc trưng, nổi tiếng các tỉnh, thành phố, không xen hàng thương mại không rõ nguồn gốc) và “sạch” về vệ sinh môi trường (rác được thu gom liên tục, sạch sẽ, không để “vướng” mắt du khách).
Ghi nhận tại Ngày hội OCOP cho thấy, những sản phẩm có cách tiếp cận tốt với người tiêu dùng, tạo điều kiện để du khách trải nghiệm cũng là những sản phẩm đạt doanh số bán hàng cao. Với các sản phẩm OCOP của An Giang, đó là trà xạ đen Thảo An, khô các lóc Kim Loan, xoài sấy dẻo Vườn Bà Ba, đường thốt nốt Trần Gia, bánh hạnh nhân Tiến Anh…
Ở các tỉnh, thành phố khác, đó là nem Cô Hoàn (Đồng Tháp); lạp xưởng Kim Huê (Long An); cà phê Đắk Lắk; bột cacao, kẹo dừa, dừa sáp sợi, mật hoa dừa của Trà Vinh; bánh pía Sóc Trăng; tôm khô Bạc Liêu; bánh tráng Tây Ninh; chả cá Cà Mau; sản phẩm chế biến từ rau má, rau diếp cá và cần tây của Lâm Đồng…
Lần đầu tiên, TP. Hà Nội mang sản phẩm OCOP nán lại An Giang lâu nhất, được tỉnh ưu ái bố trí gian hàng rộng 100m2 và kết quả đạt được khá thành công. Những đặc sản nổi tiếng đất thủ đô, như: tò he, miến dong Làng So (Quốc Oai), bánh sữa Ba Vì, hương của làng nghề hương Xà Kiều, trà Bắc, thảo dược Tam Thất… được khách tham quan ưa chuộng và cũng đạt doanh số bán hàng khá cao.
Ông Lê Trung Hiếu cho biết, có 5 băn khoăn cần giải quyết để hỗ trợ sản phẩm OCOP phát triển, tiếp cận thị trường, gồm: hỗ trợ DN, chủ thể trong truyền thông, quảng bá; hỗ trợ thiết kế mẫu mã, bao bì sản phẩm; tìm siêu thị tiêu thụ, hệ thống phân phối; xây dựng nguồn quỹ hỗ trợ DN về vốn; đào tạo DN về quản trị nhân sự, tài chính, kế toán. “Với sự quan tâm của UBND tỉnh, những băn khoăn này đang dần được giải quyết. Vấn đề tiếp theo là bản thân các DN, chủ thể OCOP cần có sự chủ động, tích cực tiếp cận thị trường, lắng nghe người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm phù hợp hơn” - ông Hiếu lưu ý.
Ông Tạ Minh Sơn cho biết, lợi thế của An Giang là có mối quan hệ thị trường rất tốt với Campuchia, đồng thời có lượng khách đông đảo, ổn định theo chu kỳ. Siêu thị Tứ Sơn sẵn sàng hỗ trợ tiếp nhận và tạo điều kiện để DN tiếp cận người tiêu dùng, phát triển thị trường tại TP. Châu Đốc. Tuy nhiên, bản thân DN phải chủ động tương tác, cầu thị phục vụ khách hàng, giúp khách hàng trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. |
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN