Hỗ trợ thoát nghèo cần thiết thực hơn

19/10/2021 - 05:06

 - Hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế đối với hộ nghèo, cận nghèo là một trong những chủ trương lớn của Đảng, nhà nước hiện nay. Thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chính sách hỗ trợ đã được lồng ghép, tạo điều kiện tốt nhất để các đối tượng trên tiếp cận được nguồn vốn, tạo sinh kế để vươn lên thoát nghèo.

Thực trạng

Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh cho biết, nếu như năm 2016, trên địa bàn tỉnh có 45.789 hộ nghèo (chiếm 8,45% tổng số hộ) thì đến cuối năm 2020, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 10.232 hộ (chiếm tỷ lệ 1,9% tổng số hộ). Đây là thành quả rất đáng trân trọng của cả hệ thống chính trị.

Để có được kết quả trên, thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách được triển khai đến các đối tượng, cụ thể là các chính sách: tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; chính sách dạy nghề miễn phí gắn với tạo việc làm; chính sách cung cấp dịch vụ khuyến nông, khuyến công, khuyến ngư; hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở; cung cấp nước sinh hoạt; hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý... Những chính sách đó đã sớm đi vào cuộc sống, giúp hộ nghèo, cận nghèo từng bước vươn lên.

Nuôi lươn là một trong những mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh

Mặt tích cực của chương trình này là vậy, song trên thực tế, còn rất nhiều hộ, vì nhiều lý do khác nhau, đến nay vẫn chưa thoát được nghèo. Số tiền họ vay của nhà nước (thông qua các chương trình hỗ trợ) chưa thanh toán hết, dẫn đến công tác xử lý nợ đọng gặp khó khăn.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân của vấn đề nằm ở chỗ, đa số hộ nghèo có trình độ học vấn, kiến thức rất thấp. Cộng vào đó là nghề nghiệp không có, thiếu nghị lực và ý chí vươn lên trong cuộc sống. Một số trường hợp do lười biếng lao động, rơi vào con đường nghiện ngập, cờ bạc, cá độ bóng đá… Một số hộ được nhà nước hỗ trợ vốn nhưng không biết tính toán làm ăn, không có kinh nghiệm về thị trường, đồng vốn của nhà nước hỗ trợ không phát huy được tác dụng.

Trường hợp của vợ chồng bà Lê Thị Phượng và ông Ngô Văn Điền (xã Phú Vĩnh, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) là một điển hình. Thời gian qua, tổng số tiền nhà nước hỗ trợ gia đình bà Phượng là 30 triệu đồng. Để vay được số tiền trên, điều kiện bắt buộc là bà Phượng phải có tiền đóng lãi hàng tháng. Khi có thu nhập, phải tham gia gửi tiết kiệm mỗi tháng ít nhất 100.000 đồng.

Đại dịch COVID-19 chưa xảy ra, bà Phượng và chồng buôn bán nhỏ, thu nhập hàng tháng cũng đóng được lãi. “Khi chưa có dịch COVID-19 còn mua bán, có tiền đóng lãi cho ngân hàng. Giờ thì không có nguồn thu nên việc đóng lãi cũng ngưng. Nhà nghèo quá, tiền vay ngân hàng 30 triệu đồng mang về để xây nhà vệ sinh, trả nợ, cất nhà, còn lại số ít để dành làm vốn mua bán” - bà Phượng trần tình.

Giải pháp

Đa số hộ nghèo không thoát được nghèo là do không biết tính toán làm ăn. 30 triệu đồng được nhà nước hỗ trợ, thay vì phải tập trung cho việc mua bán để đồng vốn sinh ra lợi nhuận, bà Phượng lại sử dụng cho việc xây nhà, trả nợ, còn lại ít tiền dành cho việc mua bán. Do việc tính toán làm ăn không căn cơ nên khi đại dịch COVID-19 xảy ra, gia đình lâm vào cảnh nghèo hơn.

Còn ông Trần Văn Sển (tổ 6, ấp Núi Nổi, xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) được nhà nước hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng. Số tiền trên ông tập trung nuôi lươn. Có vốn lẫn kinh nghiệm, tưởng lần này thoát được nghèo, nào ngờ khi dịch COVID-19 xảy ra, lươn thịt giá chỉ còn 130.000 đồng/kg mà vẫn không có người mua, khiến ông lâm cảnh khó, đồng vốn vay không biết làm sao để trả được gốc lẫn lãi.

“Đa số hộ thoát nghèo chỉ mới thoát được nghèo về chuẩn thu nhập. Cuộc sống của họ còn rất bấp bênh. Nguồn vốn để thực hiện mục tiêu giảm nghèo còn thấp, chưa đủ lực để tác động giúp hộ thoát nghèo vững chắc. Đây là một trong nhiều nguyên nhân làm cho tỷ lệ thoát nghèo mỗi năm thấp” - Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Trần Thị Hòa Bình chia sẻ.

Hỗ trợ thoát nghèo, cần sự tập trung hơn, đó là mong muốn của các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo; của chính quyền cơ sở, nơi thực hiện các chủ trương. Tập trung ở đây là tập trung nâng cao trình độ nhận thức, trình độ văn hóa; tập trung cho công tác đào tạo nghề, nguồn vốn cho vay trên từng hộ, kết nối đầu vào lẫn đầu ra cho câu chuyện làm ăn của họ.

Việc tập trung cho công tác hỗ trợ thoát nghèo còn phải tính đến công tác cho vay, giám sát đồng vốn cho vay, hướng dẫn sử dụng đồng vốn sao cho hiệu quả. Đặc biệt, trong quá trình xem xét hộ nghèo tại các địa phương, đừng để những người không chí thú làm ăn vào danh sách hộ nghèo, vì đa phần những người này đều sử dụng đồng vốn sai mục đích. Có vậy thì công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh trong những năm tới mới có kết quả như mong muốn.

“Từ nay đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ tập trung triển khai hiệu quả các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội. Đề nghị UBMTTQVN tỉnh An Giang và các tổ chức thành viên tiếp tục chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên và toàn dân tham gia học nghề, giải quyết việc làm, xây dựng các phong trào hỗ trợ giảm nghèo bền vững để đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong lộ trình đề ra xuống mức thấp nhất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước yêu cầu.

MINH HIỂN