Hoa tháng mười

20/10/2024 - 10:00

 - Có rất nhiều phụ nữ quen lam lũ mưu sinh, gồng gánh cuộc đời trong vai trò trụ cột gia đình. Năm tháng bắt đầu để lại dấu vết trên gương mặt. Bận rộn ngày qua ngày khiến đôi lúc họ quên mất mình là phụ nữ. Nhưng sâu thẳm lòng mình, mỗi người đều mang theo ước mong, cảm xúc rất riêng, nhất là trong ngày 20/10.

Những phụ nữ này tôi đã gặp ở miền biên giới An Giang, có điểm chung lớn nhất là gắn bó cả đời với sông nước huyện An Phú, với đặc sản vùng đầu nguồn Cửu Long. Người thì dành trọn thời gian lênh đênh cùng dòng nước nổi, thu mua cá số lượng lớn để phân phối về chợ, nhà hàng phố thị. Người thì gắn bó cùng dòng kênh Vĩnh Tế, nuôi sống gia đình từ mớ ốc, bó rau.

Có người bươn chải trên những nẻo đường, đồng hành cùng chiếc xe chở hàng mưu sinh. Đối với họ, vất vả chỉ vơi đi khi hàng trên xe vơi đi. Chọn nghề bán hàng di động thì phải chấp nhận mưa nắng, kiên nhẫn vượt đường xa tìm đến từng khách hàng. Chẳng thể nào che chắn, bảo vệ làn da trước nắng gió khắc nghiệt của cuộc đời…

Hôm nay, bà Kim Chi (52 tuổi, ngụ phường Vĩnh Nguơn, TP. Châu Đốc) cảm thấy chẳng khác mọi ngày, vẫn theo nhịp mưu sinh thường lệ 19 năm nay. Sáng sớm, vợ chồng bà mỗi người đẩy chiếc xe thịt nướng, chia làm hai ngả khác nhau. Buổi trưa họ mới trở về căn phòng trọ nhỏ. Nhịp đời tần tảo khiến 20/10 trở nên xa vời đối với bà. “Đó giờ lo làm ăn, đâu biết 20/10 là gì! Chỉ mong tôi đủ sức khỏe, mua bán ổn định, có điều kiện trang trải cuộc sống tốt hơn” – bà tâm sự.

Cũng từng dành mấy chục năm thanh xuân “phơi mặt cho nước, phơi lưng cho trời”, bà Huỳnh Thị Xoàn (55 tuổi, ngụ ấp Bà Bài, xã Vĩnh Tế, TP. Châu Đốc) nhớ lại: “6 giờ sáng, tôi đã có mặt ở đồng nước, mò cua bắt ốc đến trưa chiều. Chồng tôi phụ trách ruộng rẫy, khi dư khi thiếu. Làm quần quật lắm mới đủ lo cho 3 con ăn học thành tài”.

Nhưng bà được bù đắp rất nhiều, bởi các con hiếu thảo, luôn quan tâm tặng quà lễ, Tết. Dịp 20/10 này, bà được con rể tặng điện thoại di động mới. Cháu ngoại Trường An (5 tuổi) thường xuyên bày trò để bà cười vui. “Nhà cửa đã được cất sửa lại khang trang, con cái yên bề gia thất, cháu nội cháu ngoại ngày càng nhiều. Tôi cảm thấy mình đã đầy đủ, hạnh phúc lắm, không còn mong ước gì hơn!” – bà chia sẻ.

 Tôi nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của nhiều phụ nữ quanh mình. Hầu như họ ít được chú ý tặng hoa, quà, nói lời chúc lãng mạn nhân ngày lễ. Chẳng sao cả, miễn là họ được quan tâm, chăm sóc, sẻ chia mọi điều lớn nhỏ trong cuộc sống gia đình, ngày qua ngày cảm nhận ấm êm hiện hữu trong nhà.

Mong rằng, những đóa hoa sẽ mãi nở rộ giữa cuộc đời, nhận được yêu thương tròn vẹn không chỉ trong tháng 10. Đó là động lực lớn lao để họ tỏa sáng phẩm chất cao quý của phụ nữ Việt Nam “Anh hùng – bất khuất – trung hậu – đảm đang”, để làm tròn thiên chức người mẹ, người vợ, người lao động cần mẫn, giỏi giang như họ đã và đang làm.

GIA KHÁNH