Hoài niệm Vĩnh Tế Sơn, Tân Lộ Kiều Lương

14/06/2021 - 05:25

 - Để người dân TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) và du khách hiểu về truyền thống lịch sử, sự gian khổ, hy sinh của các bậc tiền nhân đã khai phá và giữ gìn từng tấc đất quê hương, là cội nguồn của dân tộc và đặc trưng văn hóa của vùng đất Nam bộ, UBND TP. Châu Đốc vừa tổ chức Lễ phục dựng bia Vĩnh Tế Sơn và bia Tân Lộ Kiều Lương.

Trong quá trình mở mang và phát triển bờ cõi phía Nam, danh thần Thoại Ngọc Hầu đã có nhiều đóng góp to lớn về kinh tế, quốc phòng và đời sống của người dân vùng đất An Giang, như: đào kênh Thoại Hà, kênh Vĩnh Tế, đắp đường Tân Lộ Kiều Lương… Quá trình khai phá này được ghi trên bia Vĩnh Tế Sơn và bia Tân Lộ Kiều Lương. Bia Vĩnh Tế Sơn được dựng năm 1828 (sau khi đào xong kênh Vĩnh Tế 4 năm), bia cao hơn đầu người bằng loại đá sa thạch.

Theo thời gian, do để ngoài trời chịu nhiều mưa, nắng nên mặt đá bị bào mòn, chữ còn, chữ mất. Bia Tân Lộ Kiều Lương cũng được dựng lên cùng năm với bia Vĩnh Tế Sơn, sau khi hoàn thành con lộ Châu Đốc - Núi Sam. Ngày nay, bia không còn nhưng văn bia vẫn còn trong sử sách.

Phục dựng bia Vĩnh Tế Sơn tại lăng Thoại Ngọc Hầu

Theo ông Bùi Hữu Tâm, Tổ phó Tổ Quản lý lăng Thoại Ngọc Hầu (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc), thuở xưa, Châu Đốc là vùng biên thùy hoang vu, rừng rậm, nhiều thú dữ. Sinh mệnh của con người luôn bị đe dọa bởi sự khắc nghiệt của môi trường núi rừng hoang vu hẻo lánh, hiểm họa đói nghèo bệnh tật, thú dữ và sự cướp bóc của bọn thảo khấu. Sự xuất hiện của danh tướng Nguyễn Văn Thoại đã làm đổi thay và mở ra trang sử mới cho vùng đất nơi đây.

Ông đã chiêu mộ lưu dân, lập làng quanh vùng núi Sam (Châu Đốc) và mở mang đồng ruộng, đào kênh dẫn thủy nhập điền, giúp cuộc sống người dân ngày càng ổn định. Ngoài những con kênh để đời (Thoại Hà, Vĩnh Tế), Thoại Ngọc Hầu còn cho đắp đường, cất cầu nối các vùng dân cư để thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển và giao thương. Giai đoạn năm 1826 - 1828, để ghi lại dấu tích này, ông đã cho dựng bia Vĩnh Tế Sơn và Tân Lộ Kiều Lương.

Ông Bùi Hữu Tâm cho biết, bia Vĩnh Tế Sơn còn được gọi là “Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký” là một bài văn do Thoại Ngọc Hầu cho ghi chép lại sự gian nan, cực khổ khi khai phá vùng đất Châu Đốc và việc đào kênh nối liền Châu Đốc đến Hà Tiên (kênh Vĩnh Tế), đồng thời ghi nhớ ơn vua đã lấy tên phu nhân Châu Thị Tế để đặt tên mới cho núi Sam là Vĩnh Tế Sơn. Nhờ vào bia Vĩnh Tế Sơn, người đời sau có thể tìm lại được công trình của danh thần Thoại Ngọc Hầu và những di tích liên quan đến Châu Đốc bị lãng quên.

Bia Tân Lộ Kiều Lương được dựng lên cùng năm với bia Vĩnh Tế Sơn, sau khi hoàn thành con lộ Châu Đốc - Núi Sam. Con lộ có chiều dài khoảng 5km, chiều ngang hơn 5m chạy từ chân núi Sam đến nội ô Châu Đốc và được làm song song với việc đào kênh Vĩnh Tế. Ông Nguyễn Văn Thoại tận dụng số dân quân dư thừa trong mùa nước nổi không thể đào kênh chuyển sang làm nhiệm vụ đắp đường. Con đường này trước đó chỉ là lối mòn do người dân đi lại mà thành, vào mùa nước nổi bị ngập không đi lại được.

Việc đắp, hình thành đường Tân Lộ Kiều Lương đã giúp xe ngựa và khách bộ hành đi lại dễ dàng. Trên văn bia Tân Lộ Kiều Lương đã ghi lại công cuộc đắp đường. Từ vận động chi phí cho tới chiêu mộ nhân công, từ ngày tháng khởi công cho đến lúc hoàn thành, từ quy cách con lộ cho tới nguyên nhân xây dựng... đều được Thoại Ngọc Hầu kể một cách chân thành và khiêm tốn, nói lên được tấm lòng của ông đối với cuộc sống của nhân dân lúc bấy giờ.

Bia Tân Lộ Kiều Lương

Theo thời gian, bia Vĩnh Tế Sơn bị bào mòn, chữ còn, chữ mất và bia Tân Lộ Kiều Lương không còn nữa nhưng văn bia vẫn còn lưu giữ trong sử sách… Thuở khai sinh mang tên Tân Lộ Kiều Lương, có bia ký dựng ở đầu đường phía núi Sam, rồi sau đó mang tên: đường liên Tỉnh lộ 10, Quốc lộ 91, đường Núi... và bây giờ được trở về với tên ban đầu.

Ngày nay, Tân Lộ Kiều Lương chính là điểm nối giao thông giữa 2 khu dân cư đông nhất, gồm: núi Sam và chợ Châu Đốc. Qua thời gian, vùng đất biên thùy Châu Đốc ngày càng trù phú, dân cư ngày càng đông đúc; sản xuất, giao thương, du lịch phát triển và Tân Lộ Kiều Lương được nâng cao, mở rộng, trở thành đại lộ với 8 làn xe và 3 dãy phân cách.

Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Châu Đốc Lâm Quang Thi, 2 tấm bia trên có giá trị lịch sử to lớn, mang đậm dấu ấn của vùng Châu Đốc tân cương. Do đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm phục dựng lại bia Vĩnh Tế Sơn và Tân Lộ Kiều Lương nhằm bảo tồn, tri ân, khắc ghi công lao, sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước và lưu truyền cho các thế hệ mai sau. UBND TP. Châu Đốc cùng Hội Khoa học Lịch sử tỉnh và các sở, ban, ngành đã hiệu đính và phục chế lại bia Vĩnh Tế Sơn cùng với bia Tân Lộ Kiều Lương. Việc phục chế 2 bia đã hoàn thành vào cuối năm 2020 và tiến hành phục dựng vào ngày 2-6-2021. Bia phục chế khắc chữ ở 2 mặt: một mặt chữ Việt, một mặt khắc chữ Hán trình bày theo lối văn bia cổ.

Bia Vĩnh Tế Sơn đặt tại lăng Thoại Ngọc Hầu; bia Tân Lộ Kiều Lương đặt tại công viên Lê Hồng Phong (gần chùa Huỳnh Đạo). Đây là công trình văn hóa có ý nghĩa để tưởng nhớ, giáo dục lòng yêu nước, niềm tự hào về tấm gương sáng ngời của ông Thoại Ngọc Hầu cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

THU THẢO