Hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra trên từng lĩnh vực công tác

27/07/2020 - 05:44

 - “Những thành tựu to lớn và quan trọng mà tỉnh An Giang đạt được trong 5 năm qua chính là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm cao, tính năng động, sáng tạo của cả hệ thống chính trị và của mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của ngành kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh An Giang trong việc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng nhấn mạnh.

5 năm qua, Viện KSND 2 cấp tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua chào mừng các sự kiện, ngày lễ lớn do Viện KSND tối cao, UBND tỉnh phát động và kỷ niệm “60 năm ngày thành lập ngành KSND” (26-7-1960 - 26-7-2020)... Quá trình tổ chức các phong trào thi đua, Viện KSND 2 cấp đều gắn kết với việc thực hiện các chủ trương và cuộc vận động lớn của Đảng, của ngành như: “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với công tác rèn luyện 5 đức tính người cán bộ kiểm sát mà Bác Hồ đã dạy: “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”; phong trào “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” và phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức ngành KSND thi đua thực hiện văn hóa công sở”.

Hàng năm, căn cứ chỉ thị công tác kiểm sát của Viện trưởng Viện KSND tối cao; nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Viện KSND tỉnh đã xây dựng kế hoạch công tác, xác định nhiệm vụ trọng tâm đột phá và giải pháp thực hiện trong từng năm. Từ đó, hoàn thành đạt và vượt mức chỉ tiêu đề ra trên từng lĩnh vực công tác. Cụ thể, tổng số kiểm sát việc thụ lý và giải quyết tin báo về tội phạm tăng dần theo từng năm, năm 2015 thụ lý, giải quyết 1.380 tin, đạt tỷ lệ 85,93%, đến năm 2019 giải quyết 2.433 tin, đạt tỷ lệ 94,8%. Trong 5 năm đã thụ lý 10.201 tin, giải quyết 9.361 tin, đạt tỷ lệ 91,77%, vượt chỉ tiêu Quốc hội và của ngành đề ra (trên 90%); số tin báo về tội phạm quá thời hạn giải quyết giảm dần, qua đó, Viện KSND 2 cấp đã làm tốt hơn nhiệm vụ chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của tố tụng hình sự.

Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh An Giang luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ

Viện KSND tỉnh đã chủ động xây dựng, ký kết quy chế phối hợp với Công an, Biên phòng, Hải quan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc tiếp nhận, giải quyết tin báo về tội phạm để triển khai thực hiện thống nhất. Riêng số lượng án Viện KSND 2 cấp thụ lý tăng dần theo từng năm, năm 2015 thụ lý 970 vụ, 1.508 bị can, đến năm 2019 thụ lý 1.602 vụ, 1.200 bị can; lãnh đạo Viện KSND 2 cấp đã chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra; Kiểm sát viên phải bám sát hoạt động điều tra ngay từ đầu và trong suốt quá trình điều tra, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra, đảm bảo việc điều tra thu thập chứng cứ; yêu cầu khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Các trường hợp bị can kêu oan, vụ án phức tạp hoặc trường hợp cần thiết thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm đảm bảo cho việc xét phê chuẩn. Từ đó bảo đảm việc điều tra, xử lý tội phạm được chính xác, kịp thời, hạn chế mức thấp nhất việc bỏ lọt tội phạm.

Viện KSND 2 cấp đã phân công Kiểm sát viên tham gia 100% các phiên tòa, phiên họp; kiểm sát xét xử sơ thẩm và tham gia phiên họp 10.435 vụ, phúc thẩm 1.674 vụ. Phối hợp tổ chức 143 phiên tòa rút kinh nghiệm, tham gia phiên họp xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân là 2.017 vụ. Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Nưng đề nghị: “Ngành KSND An Giang cần tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát trong hoạt động tư pháp; các đạo luật, luật về tư pháp và các nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp nhằm phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương và của ngành. Đồng thời, tiếp tục đổi mới biện pháp công tác, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và yêu cầu của ngành kiểm sát là xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong thời gian tới”.

KHÁNH HƯNG