Hoàng hôn và blouse trắng

25/02/2022 - 06:39

 - Khi tôi viết những dòng này, thượng sĩ Lê Văn Đăng (sinh năm 1998, học viên lớp DH50A, hệ 4, Học viện Quân y) đã chia tay An Giang, trở về mái trường thân thuộc. Nhưng những lời tâm sự của anh vẫn đọng lại đâu đây: “Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi học ngành y, được “xung trận” vào thời điểm nhân dân cần đội ngũ y, bác sĩ nhất, để chiến đấu với dịch bệnh khủng khiếp nhất thời đại: COVID-19. Dù bóng tối bao trùm lên mất mát, nhưng chúng tôi sẽ là ánh sáng mạnh mẽ, xua tan bóng tối ấy”.

Thượng sĩ Lê Văn Đăng

"Chúng tôi đi không tiếc đời mình”

Khi anh bước vào năm thứ 5 của chương trình học, dịch bệnh COVID-19 xuất hiện, phá vỡ cuộc sống bình thường. Chuyện học của anh và cả lớp bị gián đoạn. Sinh viên bình thường được nghỉ ngơi ở nhà, chờ “bão dịch” đi qua, Đăng và cả lớp xách ba lô “xông pha” tâm dịch: Tỉnh Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh, rồi đến tỉnh An Giang. Họ là những bác sĩ “chưa ra nghề”, nhưng buộc phải “ra nghề” để chạy đua với COVID-19.

Họ buộc phải trưởng thành nhanh hết mức có thể. Cao điểm, có ngày anh đứng cấp cứu liên tục 15 tiếng. Bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, thì đến lượt anh rơi vào trạng thái mất nước điện giải nặng. Lần tăng cường vào Cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tại doanh trại Trung đoàn 892 (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn), Đăng đã vững tay nghề hơn, biết cách xử trí những ca “khó nhằn”, cứu sống khoảng 300 bệnh nhân.

8 giờ 20 phút sáng 19-12-2021, một bác sĩ nhắn tin lên nhóm cấp cứu về bệnh nhân hôn mê Glasgow 7-8 điểm, xin chuyển nhưng không được vì tuyến trên quá tải. Lúc ấy, đang sốt 38,50C, Đăng vẫn chạy vào khám, đánh giá bệnh nhân, hội chẩn cùng các bác sĩ khu, bác sĩ buồng. Glucose mao mạch là 133mg%, trong đầu anh vội nảy số khả năng “đây là hôn mê nhiễm toan cetone ở bệnh nhân đái tháo đường thể không tăng đường huyết”. “Các bác sĩ đồng ý quan điểm, để tôi nhận bệnh nhân cấp cứu.

Sau 2 tiếng cấp cứu, ý thức bệnh nhân cải thiện, đáp ứng kích thích mở mắt. Người tôi ướt sũng, nhưng lại cảm thấy rất khỏe mạnh, như một hạt mầm được chui ra khỏi vỏ sau cơn mưa. Sau 4 giờ cấp cứu thì bệnh nhân hồi phục ý thức. 23 giờ 30 phút, không phải lịch trực, nhưng tôi vẫn chạy vào kiểm tra tất cả bệnh nhân, trước khi ngả lưng đánh giấc dài. Lúc ấy, chợt nhận ra mình đã hết bệnh, cũng hết sức và hết ngày. Chỉ có một điều mãi không hết trong tôi, đó là yêu nghề, thương bệnh nhân, nhiệt huyết tuổi trẻ” - Đăng chia sẻ.

Trong câu chuyện của Đăng, luôn có những khoảng lặng. Vị bác sĩ tương lai thấm thía hơn ai hết mất mát đằng sau “cuộc chiến” này. Ở trên lớp, Đăng và bạn bè được truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích, được hướng dẫn tận tình về chuyên môn. Vì thế, họ biết phải làm gì trong từng trường hợp bệnh nhân cụ thể. Thực tế lại quăng cho họ bài thi hoàn toàn bất ngờ. Nơi họ điều trị thiếu trang thiết bị, thuốc men trong tay; trong khi tuyến trên quá tải, không chuyển bệnh nhân đi được. Vậy là, có lúc họ đành đứt ruột nhìn bệnh nhân qua đời… Họ khoác chiếc áo trắng, nhưng bóng tối cứ lẩn khuất đâu đây. Bệnh nhân “không xuất viện”, trở thành ám ảnh tâm lý lớn lao.

Điều trị cho bệnh nhân tại An Giang

Hòa quyện những niềm tin

Đăng tự hào rằng, lứa thế hệ của anh học ngành y rất kịp lúc. Không sớm, không trễ, mà là “thời điểm vàng” để ứng phó với đại dịch toàn cầu, có cơ hội thực hành nhiều hơn, cứu được nhiều bệnh nhân. Lực lượng y tế trong quân ngũ như anh lại hòa quyện thêm màu áo lính. Anh mang trọng trách gấp đôi, gấp ba: Trọng trách với Tổ quốc, với nhân dân, chính bản thân mình. Đăng chia sẻ: “Bộ đội dù ở thời bình hay thời chiến, vẫn mãi là bộ đội. Sau này, dịch bệnh lùi xa, chúng tôi trở về làm một quân nhân bình thường. Nhưng bất cứ lúc nào đất nước cần, chúng tôi sẽ xuất hiện”.

Thiếu tá Phùng Trọng Mãn (lớp trưởng Lớp DH50A) chia sẻ, cả lớp đang học ở giảng đường, bất ngờ nhận lệnh của Giám đốc Học viện Quân y: “Trước 9 giờ tập trung đi tăng cường ở 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Quân khu 9”. Lúc ấy đã là 8 giờ. Thế nhưng, bản lĩnh quân nhân, người học ngành y được rèn luyện từ các đợt chi viện cho tỉnh Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh trước đó, nên 111 học viên của lớp nhanh chóng lên đường. Chưa có lớp nào trải qua những dấu ấn đặc biệt như lớp của anh.

Sau 3 đợt chi viện (gần 5 tháng), từng học viên căng mình chống dịch. Nhưng sự trải nghiệm, thực hành quý giá ấy giúp họ cứng cáp, trưởng thành hơn nhiều. “Phát huy tinh thần “người lính Cụ Hồ”, trong thời bình, chúng tôi là đội quân công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống” - thiếu tá Mãn chia sẻ. Sau chuyến tăng cường, cả lớp được Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19.

Dù không phải là bác sĩ thực thụ, họ vẫn cứu sống rất nhiều bệnh nhân, góp phần vào thành quả chống dịch chung của đất nước. Với riêng thượng sĩ Lê Văn Đăng, không bao giờ có giới hạn trên cùng, cứ cố gắng làm những gì tốt nhất cho bệnh nhân. Không có gì vĩ đại trong nghề y bằng nhiệt huyết bác sĩ bỏ ra cho cuộc sống tươi đẹp này!

“Hoàng hôn đẹp thật đấy, mặt trời lặn nhường chỗ cho bóng tối. Không bao trùm như bóng tối, nhưng lại tỏa sáng tại khoa hồi sức cấp cứu. Đó là ánh sáng từ những chiếc áo blouse trắng của chúng tôi” – thượng sĩ Lê Văn Đăng khẳng định niềm tin chắc nịch.

Bài, ảnh: GIA KHÁNH