Bạn có bao giờ nghĩ rằng, chiếc chai nhựa bỏ đi có thể trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo hay không? Tại “Ngày hội yêu thương và chia sẻ” do Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên tổ chức, học sinh đã chứng minh điều đó là hoàn toàn có thể. Với sự sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo, các bạn biến phế phẩm thành đồ chơi ngộ nghĩnh, vật trang trí (bình hoa, chậu kiểng), đèn bàn học, mô hình nhà sàn, bến nước, con đò,...
Đây chính là “thông điệp” chống rác thải nhựa, bảo vệ mô trường mà ngày hội đã mang lại. Để tạo ra sản phẩm tái chế độc đáo, các em học sinh trải qua quá trình đầy thú vị: Thu thập vật liệu cần tái chế, sau đó làm sạch, cắt chúng thành những hình dáng khác nhau. Tiếp theo, bằng sự khéo léo và óc sáng tạo, các em ghép nối mảnh nhựa lại với nhau để tạo nên sản phẩm độc đáo.
Học sinh thuyết trình về ý nghĩa các sản phẩm tái chế của mình
Thùy Trang (học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Gia Tự, xã Mỹ Hòa Hưng) chia sẻ: “Từ gợi ý của thầy cô, chúng em tạo ra nhiều loài hoa từ vỏ sò, tập cũ, chai nhựa, ống hút... Với chai nhựa, em và các bạn mang về rửa sạch rồi mới cắt, tạo hình bông hoa. Còn vỏ sò, chúng em lượm ở quán ăn. Trước khi tạo hình bông hoa, vỏ sò đã được rửa với nước chanh nhiều lần. Quá trình tạo ra sản phẩm từ vật liệu tái chế tuy cực, mất nhiều thời gian lúc sơ chế, nhưng khi tạo ra món đồ hữu ích, chúng em rất vui vì vừa dùng để trang trí, vừa bảo vệ môi trường!”.
Quá trình sáng tạo giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, nâng cao khả năng làm việc nhóm, thắt chặt tình đoàn kết. Khó khăn ban đầu như việc tìm kiếm ý tưởng, lựa chọn vật liệu hay kỹ thuật thi công đều được các bạn vượt qua bằng sự kiên trì. Những đóa hoa làm từ vỏ sò rực rỡ sắc màu, chiếc đèn ngủ dịu dàng ánh sáng được tạo nên từ bìa cứng, tất cả đều là thành quả của sự sáng tạo không ngừng nghỉ của học sinh THCS.
Hoa tái chế từ rác thải nhựa
Nhiều sản phẩm tái chế độc đáo
Các sản phẩm thu hút sự quan tâm của đông đảo thầy cô, bạn bè và phụ huynh. “Tôi rất bất ngờ với sản phẩm tái chế độc đáo cùng ý tưởng bảo vệ môi trường mới mẻ của học sinh. Có lẽ, tôi cũng phải học các em, tận dụng và tái chế vật dụng bỏ đi để trang trí cho ngôi nhà của mình, chung tay bảo vệ môi trường xanh” - chị Phương Hạnh (phường Mỹ Xuyên) cho biết.
Cô Nguyễn Thị Thanh Thủy (giáo viên Trường THCS Trần Hưng Đạo), không giấu được niềm tự hào khi chứng kiến thành quả của học sinh: “Tôi rất ngạc nhiên trước sự sáng tạo của các em trong ngày hội hôm nay. Sản phẩm vừa đẹp mắt, vừa mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Đây là hoạt động rất ý nghĩa, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của học sinh”. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của thầy cô giáo và sự nỗ lực không ngừng của các em, hoạt động tái chế góp phần làm cho ngôi trường thêm xanh.
Hy vọng, sẽ có nhiều học sinh tham gia vào hoạt động tái chế thiết thực và ý nghĩa này, cùng nhau xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp.
PHƯƠNG LAN