Hội nghị An ninh Munich (MSC) thường niên lần thứ 54 ngày 18/2, bế mạc tại thành phố Munich, Đức. Trong 3 ngày họp, hàng loạt các vấn đề an ninh toàn cầu được đưa ra thảo luận với các sáng kiến đề xuất giải quyết. Tuy vậy kết quả đưa ra khá khiêm tốn so với kì vọng.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier (giữa), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif (thứ ba, trái) và Chủ tịch MSC Wolfgang Ischinger (thứ ba, phải) tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) được tổ chức tại thủ đô Tehran (Iran) ngày 17/10/2015. Ảnh: AFP/TTXVN
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không ổn định với những thách thức đối với trật tự thế giới, chủ yếu là xu hướng bảo hộ thương mại và chủ nghĩa dân tộc.
Trong Báo cáo an ninh Munich- được cho là cơ sở thảo luận tại Hội nghị do Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich Wolfgang Ischinger đưa ra cũng nhấn mạnh các cuộc xung đột quốc tế đang gia tăng và nguy cơ của sự hiện diện một cuộc chiến.
Là một diễn đàn với mục tiêu thúc đẩy việc giải quyết xung đột một cách hòa bình cùng hợp tác và đối thoại quốc tế, hội nghị quy tụ hơn 500 đại biểu trên khắp thế giới với 20 người đứng đầu chính phủ và nhà nước, cùng gần 40 Ngoại trưởng và 40 Bộ trưởng Quốc phòng được kỳ vọng sẽ giúp làm giảm căng thẳng và tình hình leo thang.
Hàng loạt các vấn đề an ninh toàn cầu, như xung đột tại Trung Đông, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, các nỗ lực của Liên minh Châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng sâu sắc hơn đã được đem ra thảo luận trong 3 ngày họp. Tuy nhiên, với kỳ vọng tìm ra câu trả lời cho tiêu đề Báo cáo an ninh Munich đề cập viễn cảnh của việc sụp đổ trật tự thế giới “Tiến đến bờ vực hay quay trở lại? ” vẫn chưa được thực hiện.
Thay vào đó trọng tâm của các cuộc thảo luận là câu hỏi làm thế nào để có được quyền lực tốt nhất, đặc biệt là các nước Châu Âu có đủ năng lực quốc phòng để đối phó với các cuộc xung đột trong tương lai.
Với báo cáo an ninh Munich dài 90 trang thì có 50 trang liên quan đến quốc phòng Châu Âu, nhấn mạnh xây dựng lực lượng an ninh cho Châu Âu trong tương lai. Hàng loạt các lời kêu gọi gia tăng chi tiêu quốc phòng để chuẩn bị cho các cuộc chiến tranh trong tương lai.
Tổng thống Estonia Kersti Kaljulaid nhấn mạnh: “Estonia đã dành 2,2% GDP cho quốc phòng. Quốc gia nhỏ bé của chúng tôi không thể làm nhiều hơn những gì đang làm. Tuy nhiên khu vực cần phải làm nhiều hơn nữa. Chúng ta cần phải áp dụng các cơ chế phân phối hợp lí với tiền được chi tiêu vào những lĩnh vực hiệu quả nhất. Và đối với tôi, chúng ta cuối cùng có thể thấy một liên minh quốc phòng vững mạnh giúp đáp ứng được các yêu cầu an ninh của các nước thành viên EU”
Mặc dù không đạt được như kỳ vọng nhưng cũng phải nhìn nhận nhiều tầm nhìn sáng kiến và nghị quyết được đưa ra tại hội nghị với sự đồng thuận chung, như khẳng định nỗ lực đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS bất chấp những thắng lợi của các liên quân quốc tế tại Syria và Iraq; ủng hộ các cuộc đối thoại giúp cải thiện tình hình hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên hay đề xuất của Anh về một hiệp định an ninh mới với EU sau Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa nhấn mạnh: “Khi Anh rời EU chúng ta bắt đầu con đường mới trên thế giới. Tuy nhiên Anh vẫn cam kết với an ninh Châu Âu trong tương lai. An ninh của Châu Âu chính là an ninh của nước Anh và chúng tôi cam kết không điều kiện duy trì sự hợp tác để đối phó với các thách thức chung”.
Không thể phủ nhận những thách thức an ninh toàn cầu là lớn và không thể giải quyết trong một cuộc họp. Tuy nhiên, để những sáng kiến và tầm nhìn đưa ra tại cuộc họp được thực hiện cần đòi hỏi nhiều nỗ lực toàn cầu hơn nữa. Trong bài phát biểu tại lễ bế mạc, Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich Wolfgang Ischinger cũng nhấn mạnh sau hội nghị này, các bên đã nắm được những thách thức mới cũng như những điều cần tránh, song cần có những bước đi cụ thể nhằm triển khai tất cả các tầm nhìn và ý tưởng này./.
Theo PHẠM HÀ (VOV)