Hội thảo khoa học về Tổng đốc An - Hà Phan Khắc Thận

03/11/2024 - 19:40

 - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang phối hợp Hội Khoa học Lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học về Tổng đốc An - Hà Phan Khắc Thận. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Thịnh và trên 80 thành viên đến từ các địa phương: Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, TP. Hồ Chí Minh và hội viên Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tham dự.

Quang cảnh hội thảo

 Chủ tọa hội thảo

Tổng đốc Phan Khắc Thận (1798 - 1868) quê ở làng Tư Cung, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), là danh thần triều Nguyễn, phục vụ 3 triều vua (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức). Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Nhiếp phủ Tây Ninh, Án sát sứ Bình Định, Vĩnh Long, Bố chính sứ Hà Nội, Quyền chưởng Tuần phủ Lạng - Bằng, Tả tham tri bộ Hộ, Tham tán quân thứ Đà Nẵng, Tuần phủ An Giang, hàm Thượng thư bộ Binh thự Tổng đốc An - Hà và năm 1863 thăng Tổng đốc An - Hà.

Khoảng 10 năm cuối đời làm quan (1858 - 1868), ông bị thăng giáng, khiển trách nhiều lần, thậm chí bị tiếng oan là người hèn nhát, trong khi triều đình lúc chiến, lúc hòa với Pháp. Năm 1862, do việc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước với Pháp, ông Phan Khắc Thận bị áp lực từ phía Pháp và của cả triều đình Huế đề nghị truy bắt và giao nạp hai thủ lĩnh chống Pháp là A Soa và Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân). Cuối cùng, hai thủ lĩnh chống Pháp này đều bị bắt giao nộp cho Pháp và ông bị tiếng oan.

Hội thảo có 30 tham luận, cùng thơ, xướng họa của tổng cộng 40 tác giả, đồng tác giả. Trong đó, 8 tham luận, 12 ý kiến trao đổi, tranh luận nhằm làm rõ điểm khuất tất, vấn đề nghi vấn. Đây là các cơ sở, chứng cứ để hậu thế minh định Tổng đốc An - Hà Phan Khắc Thận là một trọng thần của nhà Nguyễn, người yêu nước, yêu dân, làm tốt các công việc được nhà vua giao phó. Đặc biệt, từ năm 1861 - 1867, ông có công lao to lớn ổn định tình hình biên giới An Giang - Hà Tiên.

N.R