Hơn 780 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê

21/06/2018 - 14:20

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 6-2018, tỉnh Hòa Bình đã kiểm kê được 786 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh.

Dân tộc Mường Hòa Bình

Với 6 dân tộc cùng chung sống đoàn kết, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng biệt đã góp phần làm nên nền Văn hóa Hòa Bình đa dạng, phong phú, đặc sắc và hấp dẫn. Các dân tộc ở Hòa Bình vẫn giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán của dân tộc mình. Các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ, chữ viết được bảo tồn; các tri thức dân gian, trang phục còn được lưu giữ như dân ca, nghệ thuật Chiêng, Mo, sử thi Đẻ đất - Đẻ nước của dân tộc Mường vẫn lưu giữ và được đánh giá cao.

Bên cạnh đó, người Tày vẫn giữ được bản sắc riêng, độc đáo như làn điệu dân ca, duy trì học chữ cổ trong cộng đồng... Người Dao vẫn giữ phong tục cấp sắc, Tết nhảy, học chữ cổ... Người Mông giữ được trang phục, kiến trúc nhà ở, nghề rèn, ngôn ngữ, Tết Mông cùng với các lễ hội, âm nhạc - khèn Mông...

Đặc biệt, thời gian gần đây đã có những tín hiệu đáng mừng như sự phát triển của hệ thống lễ hội truyền thống, Chiêng Mường. Nhất là giá trị của Mo Mường và vai trò của các ông Mo đã được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều lớp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường... thể hiện sự thay đổi tích cực trong ý thức của nhân dân về việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Các địa phương đã có sự đầu tư, quan tâm đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể với việc xây dựng được 1 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh, thực hiện được gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc; tổ chức được gần 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lớp dạy chữ dân tộc và phục dựng duy trì 50 lễ hội.

Được biết, thực hiện Luật di sản, bắt đầu từ năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch và chỉ đạo thực hiện việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tỉnh đã kiểm kê 786 di sản văn hóa phi vật thể của 5 dân tộc thiểu số gồm: tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công và tri thức dân gian.

Trên cơ sở kết quả kiểm kê, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép tổ chức tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học 2 di sản văn hóa phi vật thể, đó là Mo Mường và Chiêng Mường, xây dựng và từng bước áp dụng bộ chữ phiên âm tiếng Mường. Xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình, trình UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thê tiêu biểu cần bảo vệ khẩn cấp.

Những kết quả này đã góp phần quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc. Đồng thời quảng bá về hình ảnh, văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số, tạo động lực thúc đẩy chiến lược phát triển du lịch Hòa Bình.

Theo Tổ Quốc