Họp báo bế mạc Quốc hội: Quy định xử lý tài sản bất minh cần chờ thêm độ 'chín'

20/11/2018 - 14:44

Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV trưa 20-11, nhiều phóng viên quan tâm đến việc Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua không có quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, khi thảo luận, các đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới, phức tạp. Hiện nay, tài sản thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức và cả nhân dân có nhiều nguồn khác nhau, trải qua nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều tài sản rất khó chứng minh về nguồn gốc. Nhà nước chưa có hệ thống kiểm soát tài sản, thu nhập của người dân và cũng chưa kiểm soát được thu nhập của cán bộ, công chức. Hệ thống thu thuế, thanh toán qua tài khoản chưa đáp ứng yêu cầu...


Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc điều hành họp báo.

Trong bối cảnh như vậy, việc xác định tài sản tăng thêm có giải trình được hợp lý hay không hợp lý về nguồn gốc là rất khó, còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu.

"Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về các phương án xử lý, song ý kiến đại biểu rất phân tán. Do chưa có đủ căn cứ, cơ sở quy định, nên trước mắt vẫn theo các quy định hiện hành. Tức là với tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được nguồn gốc thì tài sản nào chứng minh được do tham nhũng mà có thì bị tịch thu, trả lại cho chủ sở hữu. Còn với tài sản thu nhập tăng thêm chưa nộp thuế thì chuyển cơ quan thuế xử lý. Trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập, nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật thì chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan thẩm quyền xem xét xử lý", ông Cường cho hay.

Bên cạnh đó, người kê khai tài sản không trung thực, giải trình tài sản tăng thêm không hợp lý sẽ bị xử lý nghiêm: Người đã ứng cử, dự kiến ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thì bị bỏ khỏi danh sách; người dự kiến bầu, bổ nhiệm vào các chức vụ thì không được bầu, bổ nhiệm nữa. Còn các trường hợp khác thì bị xử lý theo pháp luật về cán bộ, công chức từ cảnh cáo trở lên, loại khỏi quy hoạch các chức danh quản lý.

Về những điểm nổi bật của luật này, ông Nguyễn Mạnh Cường cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng lần này đã sửa đổi cơ bản, toàn diện, được các đại biểu biểu quyết với tỷ lệ tán thành cao.

Trong nội dung sửa đổi có nhiều nội dung đổi mới quan trọng như mở rộng phạm vi điều chỉnh phòng, chống tham nhũng sang khu vực tư; khắc phục những hạn chế, bất cập qua 10 năm tổng kết phòng chống tham nhũng về các vấn đề liên quan đến quy tắc ứng xử của người có quyền hạn, nhận quà tặng... đồng thời, bổ sung quy định mới như kiểm soát xung đột lợi ích...

Bên cạnh đó, luật đã hoàn thiện bước quan trọng về chế định kiểm soát tài sản thu nhập, nếu như luật hiện hành mới chế định minh bạch tài sản thu nhập thì luật mới là kiểm soát tài sản, thu nhập. Quy định cụ thể, chặt chẽ các căn cứ xác minh tài sản, thu nhập, bổ sung quy định liên quan đến cơ sở dữ liệu kiểm soát tài sản, thu nhập… Đó là những điểm nổi bật của luật lần này.

"Việc chưa đưa quy định xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình hợp lý về nguồn gốc vào luật không phải là chúng ta coi nhẹ việc xử lý. Dù đã thảo luận qua nhiều vòng nhưng vẫn chưa thống nhất được xử lý bởi cơ quan thuế hay tòa án nên cần chờ thêm độ chín. Chúng ta đã có luật hiện hành rồi. Nếu phát hiện ra sai phạm thì xử lý về mặt Đảng, Nhà nước, xóa tên nếu là đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân", ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói thêm.


Phóng viên đặt câu hỏi.

Liên quan đến việc rà soát pháp luật phù hợp với cam kết trong CPTPP, ông Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết: Công tác xây dựng luật và pháp lệnh được điều chỉnh cho phù hợp với cam kết của Việt Nam, Chính phủ đã rà soát hệ thống pháp luật liên quan, đề xuất sửa đổi 8 luật, ngoài luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi vừa được thông qua thì còn 7 luật.

"Việc này không nhất thiết phải làm ngay trong năm 2019 mà có những quy định có thể điều chỉnh trong 3 - 5 năm, thậm chí 7 năm nữa", ông Cương nói.

Liên quan đến phần tranh luận làm nóng nghị trường của 2 đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Thông tin của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra chưa chính xác, do đó Chủ tịch Quốc hội điều hành đã yêu cầu 2 đại biểu trao đổi riêng với nhau. Sau đó, Bộ Công an có văn bản gửi Đảng đoàn Quốc hội yêu cầu làm rõ. Ban Công tác đại biểu đã trao đổi với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng để làm rõ nội dung này. Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đã tiếp thu và thông tin, trao đổi với báo chí về việc đó.

Sáng nay, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV với 95,26% số phiếu tán thành. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ sau gần 1 tháng làm việc khẩn trương, trách nhiệm, nghiêm túc, Quốc hội đã hoàn thành chương trình đề ra.

Với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là sự kiện chính trị hết sức quan trọng của đất nước. Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc tham gia Hiệp định CPTPP. Việt Nam là quốc gia thứ 7 phê chuẩn hiệp định này, cho thấy bước hội nhập sâu của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kỳ họp thứ 6 tiếp tục có những đổi mới, việc thảo luận, tranh luận trách nhiệm, xây dựng đã tạo không khí nghị trường sôi nổi, được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm theo dõi. Kết quả kỳ họp đã tạo niềm tin về sự đoàn kết, nhất trí hướng tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Theo HOÀNG DƯƠNG (Báo Tin tức)