Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh - cầu nối quan hệ VN-Hoa Kỳ

10/07/2020 - 13:40

VNOSMP và USAID đã ký Bản ghi nhớ ý định về hợp tác nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật định danh hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh.

Cán bộ phụ trách dự án giới thiệu các phương pháp hoạt động khảo sát, rà phá bom mìn tại Quảng Bình. (Ảnh: Đức Thọ/TTXVN)

Trải qua 25 năm kể từ ngày bình thường hóa quan hệ và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Hoa kỳ đã trở thành một hình mẫu lý tưởng trong quan hệ quốc tế hiện đại.

Đặc biệt, hai nước đã cùng nhau đi một chặng đường dài, quan trọng trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Sự hợp tác này đã giúp tạo nên những giá trị chung, trở thành cầu nối, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.

Khởi nguồn cho quan hệ hợp tác

Với truyền thống đạo lý nhân ái, bao dung, chỉ hai tuần sau khi Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở Việt Nam được ký kết (ngày 27-1-1973), Chính phủ Việt Nam đã quyết định thành lập Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) để chủ trì giải quyết vấn đề tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam (MIA).

Cho đến năm 1988, Việt Nam đã đơn phương tìm kiếm và trao trả cho phía Hoa Kỳ 302 bộ hài cốt có thể liên quan đến MIA.

Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã trước sau như một coi MIA là vấn đề nhân đạo, chia sẻ mất mát với những gia đình MIA Hoa Kỳ, không gắn với bất kỳ điều kiện chính trị nào. Hợp tác MIA cũng là khởi nguồn của quan hệ hợp tác hai nước, là chủ đề hàng đầu của các cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa hai Chính phủ. Văn phòng MIA Hoa Kỳ được thành lập năm 1991 là cơ quan đầu tiên của chính quyền Hoa Kỳ tại Hà Nội sau chiến tranh.

Trải qua hơn 30 năm hợp tác, đến nay, hai bên đã tổ chức thành công 134 đợt hoạt động chung, hồi hương gần 1.000 bộ hài cốt liên quan đến quân nhân mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam, nhờ đó phía Hoa Kỳ đã nhận dạng được khoảng 730 trường hợp.

Trong mấy thập kỷ hợp tác MIA, chuyên viên hai bên đã phải trải qua nhiều khó khăn, gian khổ. Trong đó, phải kể đến sự hy sinh tính mạng của chín cán bộ Việt Nam và bảy chuyên viên Hoa Kỳ trong vụ tai nạn trực thăng MIA ngày 7-4-2001 khi đang triển khai hoạt động hỗn hợp tại tỉnh Quảng Bình.

Vượt lên nỗi đau của chính mình, nhân dân Việt Nam đã chia sẻ mất mát với những gia đình MIA Hoa Kỳ qua sự hỗ trợ đầy tính nhân văn của nhân dân các địa phương có hoạt động MIA, đặc biệt là gia đình và cá nhân đang chịu nhiều đau thương mất mát trong chiến tranh, các cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong Việt Nam, các cán bộ tham gia công tác MIA mà ngay trong gia đình vẫn còn liệt sỹ chưa quy tập được hài cốt.

Thiện chí và sự hợp tác đầy đủ, hiệu quả của Việt Nam đã được chính quyền và Quốc hội Hoa Kỳ, Liên đoàn các gia đình MIA Hoa Kỳ, các tổ chức cựu chiến binh và dư luận Hoa Kỳ nói chung cảm ơn và đánh giá cao, coi là hình mẫu cho sự hòa giải.

Các Tổng thống Hoa Kỳ, trong các báo cáo hằng năm gửi Quốc hội và trong các Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ, đều khẳng định và đánh giá cao sự hợp tác đầy đủ của Việt Nam trong vấn đề MIA. Ngày 13-9-2006, lần đầu tiên Hạ viện Hoa Kỳ thông qua Nghị quyết cảm ơn các bên liên quan trong đó có Việt Nam về tìm kiếm MIA.

Năm 2011, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ R.Newberry khẳng định hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ về MIA đã trở thành mô hình hợp tác tốt, góp phần thúc đẩy hợp tác của Hoa Kỳ với các nước khác.

Ngày 10-11-2017, phát biểu trong chuyến thăm chính thức Việt Nam nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017, Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố: “Những nỗ lực trong việc kiểm kê quân nhân Hoa Kỳ mất tích tại Việt Nam là rất, rất quan trọng đối với tất cả chúng ta… Tôi cảm ơn Chính phủ Việt Nam vì sự hỗ trợ của họ...”

Mới đây, ngày 8-7-2020, tại Hà Nội, VNOSMP và USAID đã ký Bản ghi nhớ ý định về hợp tác nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật định danh hài cốt quân nhân mất tích trong chiến tranh.

Theo bản ghi nhớ, USAID sẽ phối hợp với VNOSMP tài trợ một dự án với ngân sách 2,4 triệu USD, nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong tìm kiếm và xác định danh tính của các quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh, thông qua việc cung cấp cho Việt Nam công nghệ hiện đại và tốt nhất để phân tích và tách chiết ADN.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, hợp tác tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh đã và đang góp phần tích cực vào quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm qua, đồng thời giúp hai nước hiểu rõ hơn thiện chí của nhau, từ đó thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực quan trọng khác.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác tích cực, hiệu quả với Hoa Kỳ trong lĩnh vực này.

Từ cựu thù thành đối tác

Chiến tranh đã gây ra những tổn thất vô cùng to lớn cả về con người và môi trường cho đất nước và nhân dân Việt Nam. Hàng triệu người Việt Nam thiệt mạng, thương tật. Hơn 200.000 liệt sỹ Việt Nam chưa tìm thấy hài cốt. Hàng vạn người dân còn đang chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, bom mìn… tiếp tục phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài về kinh tế, môi trường, xã hội, sức khỏe, tâm lý. Trong đó, vấn đề chất độc da cam rất nghiêm trọng, với nhiều điểm nóng bị ô nhiễm vượt ngưỡng; thế hệ thứ hai, thứ ba của những người bị phơi nhiễm trực tiếp cũng bị di chứng.

Với nỗ lực vận động của Việt Nam, đồng thời đáp lại thiện chí của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong hợp tác MIA, phù hợp với sự phát triển quan hệ hai nước, Hoa Kỳ đã dần có trách nhiệm hơn hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung và chất độc da cam nói riêng. Sự hỗ trợ này dù bắt đầu khá muộn, nhưng gia tăng khá nhanh và thực chất.

Bà Trần Thị Như Yến (xã Trà Côn, huyện Trà Ôn) và hai con bị nhiễm chất độc da cam luyện tập phục hồi chức năng. (Ảnh: Lê Thúy Hằng/TTXVN)

Năm 2007, lần đầu tiên Quốc hội Hoa Kỳ thông qua khoản ngân sách 3 triệu USD hỗ trợ giải quyết hậu quả chất độc da cam tại Việt Nam. Từ 2011-2018, Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, giúp xử lý triệt để 90.000m3 đất, trầm tích ô nhiễm dioxin, bàn giao 32,4ha đất sạch phục vụ mở rộng sân bay Đà Nẵng. Hỗ trợ của Hoa Kỳ cho dự án tăng từ 41 triệu USD lên 106 triệu USD.

Dự án tương tự tại sân bay Biên Hòa, với khối lượng công việc lớn hơn nhiều lần (500.000m3 cần xử lý, gấp khoảng 4 lần so với khối lượng đã xử lý tại sân bay Đà Nẵng) cũng đã được khởi động.

Năm 2018, USAID đã ký thỏa thuận với Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam về khoản hỗ trợ 180 triệu USD cho Dự án trong giai đoạn năm năm đầu tiên. Theo ước tính của phía Việt Nam và Hoa Kỳ, chi phí xử lý cần hơn 390 triệu USD và công tác xử lý tổng thể sẽ được hoàn thành trong 10 năm. Đây là một trong những dự án lớn nhất thế giới về xử lý môi trường bị ô nhiễm chất độc dioxin.

Phát biểu tại buổi lễ động thổ dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (ngày 5-12-2019), Đại biện Lâm thời Hoa Kỳ tại Việt Nam Caryn R. McClelland cho biết không những chúng ta sẽ hợp tác để giảm thiểu nguy cơ và bảo đảm an toàn cho các cộng đồng xung quanh mà chúng ta sẽ còn một lần nữa minh chứng với thế giới một ví dụ tuyệt vời về quan hệ đối tác Việt Nam-Hoa Kỳ trong đó hai cựu thù lựa chọn trở thành đối tác, vượt qua quá khứ và mở đường hướng tới một tương lai hữu nghị và thịnh vượng chung.

Cùng với khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin, hai bên đã có bước tiến quan trọng trong hợp tác hỗ trợ người khuyết tật là nạn nhân chất độc da cam. Giai đoạn 2007-2012, Hoa Kỳ đã chi 11 triệu USD thông qua USAID cho các chương trình hỗ trợ người khuyết tật tại Việt Nam.

Giai đoạn 2012-2015, con số này tăng hơn gấp đôi lên đến 27,5 triệu USD. Năm 2016, phía Hoa Kỳ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện dự án hỗ trợ người khuyết tật tại sáu tỉnh bị phun rải chất da cam với nguồn ODA không hoàn lại là 21 triệu USD...

Cuối năm 2019, USAID cũng đã ký một thỏa thuận về khoản tài trợ 65 triệu USD nhằm thực hiện các hoạt động cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho người khuyết tật nặng tại tám tỉnh ưu tiên trong năm năm tới.

Hỗ trợ của USAID đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng trăm nghìn người khuyết tật Việt Nam. Hơn 30.000 người khuyết tật trong số đó đã nhận được các hỗ trợ trực tiếp, bao gồm dụng cụ hỗ trợ, dịch vụ phục hồi chức năng, hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề, sửa chữa nhà cửa, cải thiện khả năng sống tự lập, tư vấn pháp lý và/hoặc hỗ trợ tạo việc làm...

Có thể nói, Việt Nam và Hoa Kỳ đã cùng đi một chặng đường dài và quan trọng trong hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực này đã giúp tạo nên những giá trị chung, trở thành cầu nối để hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao và cho đến nay vẫn là điểm sáng trong quan hệ hai nước.

Những thành quả của cả Việt Nam và Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng tạo ra sự đồng cảm, chia sẻ, hiểu biết và hữu nghị giữa nhân dân hai nước và tiếp tục là khởi nguồn cho thiện chí, hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai nước trên các lĩnh vực khác, đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Theo MINH DUYÊN (TTXVN)