Tiềm năng lớn
Mới nhất, đầu tháng 7, nhà sản xuất (NSX) Minh Beta giới thiệu Mỹ nhân thần sách - dự án phim hợp tác với Thái Lan. Đây là bộ phim có khá nhiều điều đặc biệt: Phim hợp tác đầu tiên có hai phiên bản riêng biệt được lồng tiếng Việt và Thái; được phát hành cùng thời điểm tại hai nước; có dàn diễn viên hai quốc gia tham dự.
NSX Thanh Huyền, đại diện HKFilm chia sẻ, việc thị trường trong nước chào đón nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị sản xuất nước ngoài chứng tỏ tiềm năng hợp tác để cho ra đời những sản phẩm mang tầm vóc quốc tế là rất lớn. “Chúng tôi đã tiếp nhận khá nhiều kịch bản mong muốn được đầu tư sản xuất tại Việt Nam, phong phú về thể loại và đề tài. Tuy nhiên, phần lớn các câu chuyện chỉ mượn bối cảnh Việt Nam để diễn, chứ chưa mang các yếu tố văn hóa bản địa”, bà Thanh Huyền cho biết.
HKFilm hài lòng với mô hình hợp tác như trong LALA: Hãy để em yêu anh
Hiện nay, dòng phim hợp tác nổi bật nhất là với Hàn Quốc. Theo bà Thanh Huyền, có hai lý do: “Các nhà đầu tư Hàn Quốc tỏ ra là những người biết nắm bắt cơ hội, có cách làm việc linh hoạt và hiểu biết về những ưu, khuyết điểm còn tồn tại của thị trường Việt Nam và sự tiếp thu, tinh thần sửa chữa kịch bản phù hợp với yếu tố văn hóa Việt Nam của các nhà làm phim Hàn Quốc”. Một dẫn chứng tiêu biểu là hiện nay xu hướng làm lại (remake) những bộ phim Hàn Quốc nổi tiếng đang khá nở rộ. Theo thống kê từ Cục Điện ảnh Việt Nam, giai đoạn 2014 - 2017, có khoảng 10 phim Hàn đã được remake tại thị trường Việt Nam.
Số lượng phim hợp tác phía Việt Nam là NSX hay đồng sản xuất đang ngày càng có xu hướng gia tăng. Năm 2018 có LALA: Hãy để em yêu anh (HKFilm hợp tác cùng Hàn Quốc), Girls 2: Những cô gái và găng tơ, Yêu em từ khi nào (hợp tác cùng Hồng Công - Trung Quốc)... Trước đó là Sắc đẹp ngàn cân, Lọ lem Sài Gòn (hợp tác cùng Hàn Quốc), Ranh giới trắng đen (hợp tác Indonesia), Sám hối (hợp tác Ấn Độ).
Cơ hội học hỏi
Việc hợp tác với các đơn vị sản xuất phim nước ngoài mang lại nhiều cơ hội phát triển và cả những bài học kinh nghiệm. Theo bà Thanh Huyền: “Họ có những đòi hỏi rất cao về công tác tổ chức sản xuất, quản lý và chăm sóc diễn viên; những điều kiện chuẩn quốc tế về sắp xếp lịch trình, thời gian làm việc của đoàn phim. Cái họ đặt lên hàng đầu trong việc tuyển chọn đối tác làm phim tại Việt Nam là sự chuyên nghiệp”. Chính bởi có nhiều khác biệt nên quá trình hợp tác không tránh khỏi những rắc rối và mâu thuẫn. Tuy nhiên, thuận lợi đến từ những bài học từ cách giải quyết các vấn đề trong công tác chuẩn bị và ở hiện trường quay. Theo NSX Minh Beta, việc hợp tác mang đến nhiều cơ hội học hỏi từ ê kíp Thái Lan về phong cách làm việc chuyên nghiệp, khoa học. Ê kíp cũng được GMM - công ty giải trí truyền thông lớn nhất tại Thái Lan - hỗ trợ tìm diễn viên bản địa, cũng như tiến hành các công việc để phim có thể phát hành đồng thời tại nước này. Trước đó, theo đại diện ê kíp Sắc đẹp ngàn cân, chuyên gia trang điểm hàng đầu Hàn Quốc đã sang hỗ trợ; phần âm nhạc cũng được hai bên bàn bạc để cùng thực hiện.
Một trong những vấn đề nổi bật của việc hợp tác đó là làm thế nào để dung hòa yếu tố bản địa và phù hợp với thị hiếu khán giả mỗi nước. Đại diện của ShowBT - đơn vị phối hợp sản xuất phía Hàn Quốc của Sắc đẹp ngàn cân, nêu rõ: “Việc hợp tác làm phim phải dựa trên cơ sở am hiểu các yếu tố văn hóa, tin tưởng cộng sự và tôn trọng văn hóa Việt Nam”. Còn theo bà Thanh Huyền, công việc này phải được thực hiện từ khâu kịch bản: “Điều đó đòi hỏi các nhà làm phim nước ngoài phải chịu bỏ tâm sức và thời gian tìm hiểu về phong tục tập quán và bản sắc văn hóa của dân tộc mà họ muốn hòa nhập. Bên cạnh đó, đối tác địa phương cũng cần hợp tác chặt chẽ trong giai đoạn xây dựng kịch bản, lời thoại cho phù hợp, nhất là với người dân nước sở tại”.
Cơ hội hợp tác đã mở và ngày càng phát triển theo chiều sâu, nhưng nói như đạo diễn Đinh Tuấn Vũ tại hội thảo “Mạng lưới công nghiệp điện ảnh Việt - Hàn: “Nếu không bắt đầu không thể đi đến đích”. NSX Minh Beta cho biết, đơn vị này chấp nhận rủi ro, làm những gì táo bạo với hy vọng mở ra cơ hội để điện ảnh Việt có thể phát hành thương mại tại nước ngoài, thay vì chỉ tham gia các liên hoan phim như thường lệ. Còn theo bà Thanh Huyền, muốn có một phim hợp tác thành công (mức độ phổ biến rộng rãi, doanh thu tốt, nổi trên mạng xã hội), tác phẩm đó phải có chất lượng chuyên môn tốt và câu chuyện phim cần gần gũi và thân thiện trong cách tiếp cận khán giả.
Với rất nhiều lợi thế về văn hóa, cảnh đẹp thiên nhiên, truyền thuyết và điển tích lịch sử, chúng ta cần tận dụng những ưu thế này, nắm bắt những cơ hội được cọ xát và học hỏi từ công nghệ làm phim tiến bộ của các nước, từ đó tích lũy và nâng cao trình độ của bản thân. Chúng ta có “câu chuyện” và các đối tác nước ngoài có cách thể hiện. Phát huy tốt cả hai yếu tố này, chúng ta sẽ có những sản phẩm thành công.
Theo VĂN TUẤN (Sài Gòn Giải Phóng)