Hướng đi mới của ngành hàng cá tra

12/02/2024 - 07:49

 - Năm 2023 đi qua, đây là năm có nhiều biến động của nền kinh tế thế giới, bởi những hệ lụy của đại dịch COVID-19 vẫn còn, đi cùng với đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine vẫn chưa đến hồi kết, tình trạng bất ổn của nhiều quốc gia trên thế giới… dẫn đến lạm phát gia tăng, nhất là tại các quốc gia nhập khẩu cá tra, từ đó người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động mạnh đến ngành hàng cá tra, làm kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 1,8 tỷ USD, chỉ bằng 75% so năm 2022.

Quá khứ vẻ vang

Nhìn lại hành trình 27 năm cá tra Việt Nam tham gia vào thị trường thế giới, thành tựu nổi bật của ngành hàng này là sản phẩm đã xuất đến 146 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó mặt hàng phi-lê đã xuất vào hầu hết các thị trường khó tính, như: Nhật Bản, Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu (EU)...

Riêng sản phẩm cá tra cắt khúc, nguyên con xẻ bướm đã “đổ bộ” vào thị trường Trung Quốc để chế biến các món ăn phục vụ  thực khách tại các nhà hàng lớn ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Đại Liên…

Tính đến cuối năm 2023, cá tra của các DN trong tỉnh, trong nước được thương nhân Trung Quốc mua để bán ở 23 tỉnh, thành phố của Trung Quốc, trong đó các địa phương nhập khẩu nhiều là Quảng Đông (chiếm 30%), Sơn Đông và Thượng Hải (chiếm 12%), Thiên Tân (chiếm 10%)…

Một thành tựu khác của ngành cá tra phải kể đến, đó là ngày 31/10/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chính thức công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm cá da trơn Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng, khẳng định năng lực kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm trong chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu cá tra.

"Việc Hoa Kỳ công nhận tương đương hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm của Việt Nam giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận và mở rộng thị trường, tạo chuyển biến mạnh mẽ của ngành hàng này từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô công nghiệp, trên cơ sở kiểm soát có hệ thống từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, đồng thời tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững…” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Giải pháp sắp tới

Thành tựu sau 27 năm tham gia thị trường thế giới của ngành hàng cá tra có rất nhiều nhưng hạn chế cũng không ít, đó là tỷ lệ hao hụt trong quá trình nuôi còn cao; sản phẩm chế biến chưa phong phú, đa dạng; kim ngạch xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có; phần lớn DN tập trung cho việc mở rộng vùng nuôi, nhà máy, thị trường xuất khẩu, trong khi nguồn nhân lực để phục vụ cho các khâu của quá trình nuôi, chế biến, xuất khẩu chưa được quan tâm đúng mức. Đây là “điểm nghẽn” trong quá trình hội nhập... “Người nuôi đang đối mặt với tình trạng cá giống hao hụt nhiều trong quá trình nuôi thương phẩm, bởi hao hụt cao sẽ kéo theo giá thành tăng…” - ông Cao Lương Tri (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) trăn trở.

Để khắc phục những hạn chế về con giống, năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Chương trình giống cá tra 3 cấp chất lượng cao cho các DN sản xuất cá tra. Đi đầu trong số DN tham gia, trước hết phải kể đến Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang, Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico), Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn và nhiều đơn vị khác. Nếu Navico xây dựng vùng nuôi Bình Phú (xã Bình Phú, huyện Châu Phú) có diện tích 600ha để tham gia chương trình thì Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang thực hiện với diện tích vùng nuôi lên đến 104ha.

“Với giấc mơ nâng tầm cá tra Việt, Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang tham gia chương trình nhằm hướng đến 3 mục tiêu: Cá tăng trưởng nhanh hơn, thích nghi tốt hơn với sự thay đổi môi trường, tỷ lệ sống được cải thiện qua từng thế hệ và chất lượng thịt mang tính vượt trội so với trước đó...” - Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang Võ Minh Khôi chia sẻ. Hiện, Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang đã tuyển chọn cá bố mẹ đến thế hệ G3 và chuẩn bị đưa sản phẩm ra thị trường. Đi cùng với việc triển khai Chương trình giống cá tra 3 cấp, DN và ngư dân đã sử dụng vaccine để phòng bệnh cho cá, đây là hướng đi mới của ngành hàng cá tra Việt Nam.

“Hiệu quả dễ nhận thấy khi sử dụng vaccine tiêm phòng cho cá tra giống là để chống lại bệnh gan, thận, mủ và bệnh xuất huyết do vi khuẩn gây ra, từ đó mang đến hiệu quả kinh tế vượt trội cho người nuôi, giúp tăng tỷ lệ sống của cá với hiệu quả bảo vệ lên đến 90% đối với bệnh xuất huyết và 70% với bệnh gan, thận, mủ.

Cắt giảm chi phí, tăng lợi nhuận nhờ vào việc tăng sản lượng, giảm hệ số FCR và rút ngắn thời gian nuôi. Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng vì không còn dư lượng kháng sinh, góp phần tạo ra miếng phi-lê chất lượng cao…” - ông Trần Vũ Em (Chi hội trưởng Chi hội Nghề nuôi thủy sản xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn) chia sẻ.

Sử dụng vaccine tiêm phòng cho cá tra giống giúp ngư dân hạ giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận trong quá trình thả nuôi. “Chủ trương của ngành hàng hiện nay, phòng bệnh là trên hết, trị bệnh khi cần thiết. Ngư dân cần áp dụng các biện pháp kỹ thuật lẫn sử dụng vaccine để bảo vệ đàn cá nuôi, có vậy thì hiệu quả kinh tế cho mỗi chu kỳ nuôi mới đạt cao như kỳ vọng…” - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng khuyến cáo.

Hướng đi mới của ngành hàng cá tra đã được xác định, đó là đẩy mạnh cải thiện chất lượng con giống, đưa vaccine vào phòng bệnh cho cá, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình hội nhập; tăng cường củng cố thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới, đa dạng hóa sản phẩm để phục vụ cho nhiều phân khúc khách hàng. Đồng thời, tăng cường đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, công nghệ từ nuôi đến chế biến, xuất khẩu...

Hy vọng với những hướng đi mới, ngành hàng cá tra sẽ tiếp tục chinh phục người tiêu dùng toàn thế giới, khẳng định Việt Nam là cường quốc số 1 thế giới trong xuất khẩu cá tra.

“Thời gian tới, Công ty Cổ phần Nam Việt sẽ tiếp tục hạ giá thành sản phẩm bằng cách khép kín quy trình sản xuất, đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tăng năng suất lao động, tăng chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để cạnh tranh…” - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới chia sẻ.

MINH HIỂN