Hướng tới một di sản thiên nhiên liên quốc gia

11/08/2024 - 08:30

Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) có đường biên giới tiếp giáp với Vườn quốc gia Hin Nam No (tỉnh Khăm Muộn) của nước bạn Lào. Cùng nằm trong hệ thống đá vôi có diện tích lớn nhất Đông Nam Á lại có rất nhiều sự tương đồng, việc hợp tác, liên kết giữa hai vườn quốc gia sẽ làm tăng quy mô, đồng thời nâng cao công tác bảo tồn và hướng tới trở thành di sản thiên nhiên liên quốc gia.

Cảnh đẹp của hệ thống hang động Tú Làn ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Cảnh đẹp của hệ thống hang động Tú Làn ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hiện, hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn đang tích cực phối hợp hoàn thiện hồ sơ đề cử kết hợp hai vườn trở thành di sản thiên nhiên liên quốc gia và dự kiến đệ trình UNESCO vào cuối năm 2024.

Nhiều sự tương đồng giữa hai vườn quốc gia

Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được UNESCO hai lần công nhận là "Di sản thiên nhiên thế giới" vào năm 2003 và năm 2015 với các tiêu chí về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học và phát triển các hệ sinh thái trên cạn. Đây cũng là di sản đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đạt ba trong bốn tiêu chí dành cho một di sản thiên nhiên thế giới.

Phong Nha-Kẻ Bàng là khu vực karst rộng lớn nhất trên toàn cầu, có lịch sử hình thành cách đây hơn 400 triệu năm, với đầy đủ các giai đoạn phát triển chính của vỏ trái đất. Nơi đây có hơn 1.000 hang động, trong đó 425 hang động đã được khảo sát, đo vẽ; có hệ động, thực vật vô cùng đa dạng, phong phú (2.953 loài thực vật, 1.394 loài động vật), với 43 loài mới phát hiện và nhiều loài quý hiếm chỉ thị cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi.

Bên kia biên giới, Vườn quốc gia Hin Nam No của tỉnh Khăm Muộn có tổng diện tích hơn 82.000 ha, là nơi cư trú của 40 loài động vật có vú, hơn 200 loài chim, 46 loài lưỡng cư và bò sát, hơn 100 loài cá và hơn 520 loài thực vật; đồng thời có nhiều hệ thống hang động đá vôi đẹp…

Theo các nhà khoa học của Viện Địa chất thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No có vị trí liền kề nhau và cùng nằm trong khối đá vôi có diện tích lớn nhất Đông Nam Á.

Qua nghiên cứu đã phát hiện nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học tương đồng. Không những vậy, các thông tin khảo cổ học thu thập được ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và những phát hiện mới đây ở Vườn quốc gia Hin Nam No cho thấy những nét tương đồng về khảo cổ học, đó là sự có mặt của cư dân tiền sử ở cả hai khu vực.

Phát hiện này đồng thời đã bổ sung minh chứng cho sự thích ứng của cư dân tiền sử với môi trường tự nhiên, qua đó góp phần nâng cao giá trị của Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nam No, làm nổi bật hơn các giá trị toàn cầu phục vụ xây dựng hồ sơ khoa học chung.

Giám đốc Vườn quốc gia Hin Nam No, ông Khamkeo Latthayod cho biết, Vườn quốc gia Hin Nam No và Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam liền kề nhau trên dãy Trường Sơn, bao gồm các khu rừng ẩm tương đối nguyên vẹn với hàng chục khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao.

Việc thể hiện các giá trị đa dạng sinh học nổi bật hiện nay trong danh sách di sản thế giới chỉ giới hạn ở Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong khi đó, thuộc tính xuyên biên giới đại diện cho thành phần hệ sinh thái núi đá vôi quan trọng nhất và về cơ bản là nguyên vẹn trong các khu rừng ẩm thuộc dãy Trường Sơn.

Trong số các hệ sinh thái và môi trường sống đa dạng trên khắp khu vực xuyên biên giới, nổi bật là các đỉnh núi đá vôi khô với hệ động, thực vật có tính đặc hữu rất cao. Điều này cũng đúng đối với các khu rừng thường xanh và nửa rụng lá tươi tốt trong các thung lũng giữa các dãy núi đá vôi ở cả hai vườn quốc gia.

Thể hiện rõ nét nhất là khu rừng núi cao hoang sơ và hẻo lánh trên đá sa thạch ở Hin Nam No và rừng lá kim quý hiếm trên đá vôi của Phong Nha-Kẻ Bàng. Thuộc tính xuyên biên giới còn cho thấy, bên dưới mặt đất có các hệ thống hang động và hệ thống sông ngầm với vô số sinh vật cực kỳ chuyên biệt, không được tìm thấy ở các nơi khác trên thế giới.

Ông Khamkeo Latthayod cũng cho rằng, trong những năm gần đây, hai nước và hai địa phương đã có nhiều cuộc họp, hội thảo nhằm tăng cường hợp tác hướng tới mở rộng di sản xuyên biên giới. Đó là thỏa thuận hợp tác hằng năm được Thủ tướng Chính phủ hai nước ký từ năm 2020, xây dựng khung quản lý xuyên biên giới Hin Nam No và Phong Nha-Kẻ Bàng năm 2021; thiết lập các đầu mối cho việc đề cử ở cả hai quốc gia và xác định nhiệm vụ của ban chỉ đạo cấp tỉnh, thực hiện công việc quản lý rừng xuyên biên giới.

Được hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam và sự ủng hộ của Ủy ban Di sản thế giới, tháng 2/2023, Chính phủ Lào đã trình đề cử Vườn quốc gia Hin Nam No là phần mở rộng xuyên biên giới của Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam.

Nếu được chấp thuận, phần mở rộng này sẽ bổ sung, tạo thành khu bảo tồn núi đá vôi lớn nhất thế giới. Danh hiệu Di sản thế giới liên quốc gia nếu được công nhận sẽ là một nền tảng và động lực để hợp tác hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ, bảo tồn và khai thác bền vững hệ sinh thái xuyên biên giới.

Di sản liên quốc gia đầu tiên trong tương lai

Đại diện Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam cho biết, Ủy ban Di sản thế giới ủng hộ, hoan nghênh việc Việt Nam hợp tác với Lào về bảo tồn đa dạng sinh học, nhất là ở khu vực bảo tồn xuyên biên giới và đề cử chung khu bảo tồn quốc gia Hin Nam No cùng với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha-Kẻ Bàng của Việt Nam trong tương lai.

Khuyến nghị này dựa trên logic của bảo tồn thiên nhiên và diễn tiến sinh thái không bị giới hạn trong ranh giới hành chính. Hơn thế, trong bối cảnh mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam và Lào thì đây là cơ hội và hy vọng sẽ sớm có một di sản thiên nhiên xuyên biên giới đầu tiên ở châu Á. Mục tiêu của UNESCO là mở rộng hợp tác cùng bảo tồn và gìn giữ di sản có nhiều đặc điểm chung, hai nước Việt Nam-Lào đang phối hợp hoàn thiện hồ sơ di sản thiên nhiên liên quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á và dự kiến sẽ đệ trình UNESCO vào cuối năm nay.

Điều này khẳng định cam kết của Việt Nam đối với UNESCO trong việc bảo tồn, gìn giữ di sản thiên nhiên thế giới, cam kết ủng hộ, đồng hành cùng nước bạn Lào trong việc đề cử ghi danh và gìn giữ tài sản chung của nhân loại, góp phần phát triển bền vững hai quốc gia và khu vực. Nếu được ghi danh là di sản thiên nhiên thế giới, Phong Nha-Kẻ Bàng và Hin Nam No sẽ trở thành biểu tượng kết nối hai dân tộc Việt Nam-Lào, góp phần tiếp tục vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước.

Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng Phạm Hồng Thái cho biết: "Trên cơ sở tuyên bố chung về hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới giữa Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và Vườn quốc gia Hin Nam No; các biên bản hội đàm được ký kết hằng năm giữa lãnh đạo hai tỉnh Quảng Bình và Khăm Muộn... chúng tôi đã tổ chức nhiều chuyến thăm, làm việc với mục đích trao đổi thông tin quản lý, hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng cảnh quan liên biên giới giữa hai khu vực".

Tháng 7 vừa qua, tại thị xã Thà Khẹt, tỉnh Khăm Muộn (Lào) diễn ra hội nghị trao đổi kinh nghiệm, rà soát việc thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và vườn quốc gia Hin Nam No. Hai bên thống nhất việc chỉnh sửa nội dung hồ sơ đề cử Vườn quốc gia Hin Nam No là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới với Phong Nha-Kẻ Bàng.

Hai bên chuẩn bị thủ tục hồ sơ để hai vườn quốc gia hoàn thành đăng ký Danh lục xanh của IUCN. Đồng thời, Vườn quốc gia Hin Nam No cũng sẽ ủng hộ Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tham gia vào các diễn đàn, tiến trình xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới và công viên địa chất toàn cầu.

Ông Khamkeo Latthayod cho rằng, việc kết hợp hai Vườn quốc gia Hin Nam No và Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành di sản thiên nhiên thế giới liên quốc gia, xuyên biên giới chung sẽ làm tăng diện tích và quy mô các giá trị nổi bật toàn cầu của hai vườn quốc gia, bảo đảm tính thống nhất và toàn vẹn của di sản; đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị đặc biệt giữa Lào-Việt Nam trong công tác bảo vệ, bảo tồn và khai thác một di sản thiên nhiên tầm cỡ quốc tế được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho cả hai quốc gia có chung dãy Trường Sơn.

Theo HƯƠNG GIANG (Nhân dân)