Theo kế hoạch, ngày hội sẽ chính thức khai mạc lúc 19 giờ, ngày 11-4 tại sân chùa Spel Lợt (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên). Các đơn vị tham dự sẽ tranh tài 6 môn: bóng đá mi-ni, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, việt dã và đội cà om lấy nước. Đây là cơ hội để đồng bào dân tộc thiểu số Khmer tại các địa phương trong tỉnh giao lưu, tăng cường tình đoàn kết và nâng cao giá trị sinh hoạt văn hóa - thể thao trong cộng đồng.
Là đơn vị đăng cai ngày hội năm nay, huyện Tịnh Biên đã chuẩn bị điều kiện sân bãi thi đấu chu đáo, đồng thời cố gắng hỗ trợ, tạo điều kiện để các đơn vị tham dự ngày hội thuận lợi nhất. Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao (VHTT) huyện Tịnh Biên Nguyễn Văn Xưa cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị điều kiện sân bãi thi đấu khá tốt. Các môn thể thao trong ngày hội sẽ được tổ chức chủ yếu tại Nhà Thi đấu thể thao huyện Tịnh Biên. Đối với môn thể thao truyền thống là đội cà om lấy nước sẽ tổ chức tại sân chùa Spel Lợt trước giờ khai mạc ngày hội, nhằm phục vụ người dân. Vì đây là sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer ở An Giang nên nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân địa phương”.
Tịnh Biên nỗ lực duy trì thành tích ở môn bóng chuyền
Thời điểm này, Trung tâm VHTT huyện Tịnh Biên đã liên hệ các địa phương, đơn vị tập trung vận động viên thể thao thi đấu trong ngày hội. Với thế mạnh ở môn bóng chuyền, đơn vị Tịnh Biên phấn đấu tái lập thành tích vô địch như ngày hội năm 2018. Về cơ bản, Tịnh Biên vẫn giữ được “bộ khung” vận động viên bóng chuyền của các năm trước và bổ sung thêm vài nhân tố mới. Do đó, địa phương đang tích cực vận động anh em sắp xếp thời gian tập luyện nhằm hướng đến kết quả tốt nhất. “Tịnh Biên là đơn vị cung cấp vận động viên cũng như đại diện tỉnh thi đấu bóng chuyền tại Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch khu vực ĐBCSL hàng năm nên chúng tôi luôn cố gắng duy trì thế mạnh này. Tuy nhiên, các đơn vị như: Tri Tôn, Châu Phú, Châu Thành, Thoại Sơn có sự đầu tư, nâng chất đội hình hàng năm nên hứa hẹn sẽ có những màn tranh tài rất sôi nổi”.
Đến với ngày hội năm nay, huyện Tri Tôn với tư cách là đương kim vô địch môn bóng đá quyết tâm duy trì thành tích này. Tuy nhiên, địa phương gặp khó khăn về nhân sự khi lực lượng vận động viên không còn đầy đủ hoặc đã lớn tuổi. Phó Giám đốc Trung tâm VHTT và Du lịch huyện Tri Tôn Thái Quốc Bình thông tin: “Dù gặp khó khăn về nhân lực nhưng chúng tôi đang nỗ lực hướng đến thành tích tốt nhất. Mục tiêu của Tri Tôn là tạo điều kiện cho các vận động viên trẻ có điều kiện thi đấu cọ xát, học hỏi kinh nghiệm nhằm hướng đến thành tích tốt hơn trong tương lai, không chỉ ở môn bóng đá mà cả môn đẩy gậy, bóng chuyền. Riêng các hoạt động văn hóa - văn nghệ, đơn vị cố gắng mang đến ngày hội những tiết mục hấp dẫn, phục vụ tốt nhu cầu đời sống tinh thần bà con dân tộc thiểu số Khmer”.
Với sự chuẩn bị tích cực từ các đơn vị, ngày hội hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn cho người dân. Đồng thời, tạo thêm niềm vui, sự hào hứng trong dịp Tết Chol Chnam Thmay, ngày Tết “mừng tuổi mới” truyền thống, vốn được xem là vui nhất trong năm của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer An Giang.
THANH TIẾN