Chùa Svay Ta Hon vào một ngày mưa. Lối dẫn vào chùa với lớp đá phủ dấu thời gian và hàng cột nhiều màu sắc tạo ấn tượng khá đặc biệt cho những ai lần đầu tới đây. Trong cái lạnh buốt của cơn mưa xứ núi vừa mới đi qua, tôi ngồi trò chuyện cùng sư cả Chau Hênh về lịch sử của 2 cây vải thiều cổ thụ này. Là người cởi mở, sư cả Chau Hênh vui vẻ chỉ tay về 2 cây đại thụ được công nhận là cây di sản trong khuôn viên ngôi chùa yên ắng này và câu chuyện về chúng dần hé lộ qua những ly trà nóng.
“Cây có hồi nào thì sư không biết chắc. Chỉ nghe ông già, bà cụ nói lại là tuổi cây tương xứng với tuổi chùa. Có một ông sư cả đã cất công lên đến Xiêm Riệp (Campuchia) để mang về 3 cây vải thiều trồng trong sân chùa. Qua mấy trăm năm, có 1 cây đã chết. Hiện giờ còn 2 cây sống tốt nên sư cũng ra sức bảo quản, giữ gìn như kỷ vật của cha ông để lại. Mấy ông già đi trước đã giữ gìn thì tới sư phải bảo quản thiệt tốt, vì nhà nước đã công nhận là cây di sản” - sư cả Chau Hênh thiệt tình.
Hai cây vải thiều đại thụ trong khuôn viên chùa Svay Ta Hon
Trong cái vắng vẻ của sân chùa ngày mưa, 2 cây vải thiều trầm mặc, lặng lẽ như hàng mấy trăm năm qua chúng đã chứng kiến những đổi thay của thế sự. Dẫn tôi ra xem cây vải, sư cả Chau Hênh không giấu được sự tự hào về 2 cây vải độc đáo này. Đôi tay ông lần dò những mấu cây già nua, sần sùi ghi dấu vết của thời gian. Mùa hè, 2 cây vải xanh um lộng tiếng ve ngân. Mùa thu, lá vải sũng ướt những cơn mưa và trở nên trầm mặc. Mùa xuân, cây vải tốt tươi đón ánh nắng mừng năm mới. Tháng 2, vải bắt đầu có bông. Tháng 3, vải cho những chùm quả đầu tiên.
“Lúc vải kết trái mới đẹp, mùa này chỉ có lá thôi. Khi trái lớn bằng ngón chân cái thì bắt đầu chín. Dù là di sản của đời trước để lại nhưng sư cũng không hẹp hòi. Ai muốn ăn thì xin sư một tiếng. Sư đồng ý cho bẻ xuống ăn chơi, chứ không bán. Vị vải chua chua, ngọt ngọt chứ không giống như vải bán ngoài chợ. Nhiều người có lòng thành, bẻ trái xuống cúng Phật rồi mới ăn, sư thấy vậy cũng vui lắm” - sư cả Chau Hênh tâm tình.
Vào lúc trái rộ, sư cả Chau Hênh thường sai người bẻ một ít mang biếu các sư ở chùa lân cận. Mùa trái vải kéo dài chừng 1 tháng thì dứt. Vì 2 cây vải thiều cổ thụ này thuộc diện rất hiếm nên có những bạn trẻ ghé lại tham quan, chụp ảnh. Hiện nay, dưới chân 2 cây vải là tấm bảng công nhận “Cây di sản Việt Nam” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam. Sư cả Chau Hênh đã cho cất nhà tiền chế nhằm bảo vệ tấm bảng công nhận này, tiện thể ông dự định sẽ đặt một tượng Phật tại đây để mọi người có thể chiêm bái khi cần thiết.
Hơn 70 năm gắn bó với mảnh đất An Tức hào hùng, ông Châu Kim Sơn yêu quý 2 cây vải thiều trong sân chùa Svay Ta Hon. Hàng ngày, ông lui tới phụ giúp sư cả Chau Hênh coi sóc công việc quan trọng của chùa, trong đó có việc giữ gìn, bảo quản 2 cây vải thiều di sản này. Ông cho biết: “Mỗi cây vải có kích thước to đến 2-3 người ôm mới giáp. Hồi tôi còn nhỏ đã thấy cây sừng sững trong sân chùa. Trải qua bom đạn, mấy cây vải vẫn tồn tại cho tới bây giờ nên người dân xung quanh rất quý chúng. Nhà chùa chỉ bảo quản và chăm sóc cây, không phun thuốc hay bón phân hóa học mà để cây sống, kết trái một cách tự nhiên như ông bà xưa đã làm”.
Đứng trước thân cây già nua to lớn, bất cứ ai cũng phải xuýt xoa bởi sự trường tồn, vững chãi của chúng qua thời gian. Bản thân tôi khá ấn tượng với 2 cây vải thiều cổ thụ này, bởi chúng đã cho đời mấy trăm mùa trái mà vẫn xanh tươi, trở thành điểm tham quan lý tưởng cho du khách.
Với sư cả Chau Hênh, 2 cây vải thiều đã trở thành biểu tượng cho ngôi chùa Svay Ta Hon nên ông sẽ tiếp tục giữ gìn và truyền lại cho thế hệ kế thừa. Đồng thời, ngành chức năng và địa phương cần có phương án hỗ trợ việc giữ gìn, bảo vệ để hương vị của trái vải thiều cổ thụ tiếp tục trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân địa phương như mấy trăm năm qua.
THANH TIẾN