Bánh tét ngày xuân
Những ngày giáp Tết, mọi người đều tất bật dọn dẹp, sửa sang nhà cửa, mua sắm quần áo và đồ đạc mới, mua các vật phẩm trang trí nhà cửa, với mong muốn bỏ những cái cũ, không may trong năm trước để đón điều may mắn về với gia đình. Trong thời khắc thiêng liêng đón mừng năm mới, bánh tét là lễ vật được trang trọng đặt lên bàn thờ tổ tiên.
Bánh tét là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở Nam Bộ
Năm nào cũng vậy, chừng 27-28 tháng Chạp là chị Nguyễn Thị Ngọc Hạnh (ngụ xã Hòa Bình, Chợ Mới) lại quây quần bên gia đình để gói và nấu bánh tét. Chị Hạnh cho biết: “Hơn 20 năm qua, gia đình vẫn giữ thói quen nấu bánh tét để dùng trong những ngày Tết. Không chỉ ăn trong gia đình, mẹ tôi chọn những chiếc bánh ngon nhất, đẹp nhất để biếu cho bà con, người thân trong xóm”.
Vẫn giữ thói quen gói bánh tét trong ngày Tết, cô Võ Thị Thu (sinh năm 1967, xã Hòa Bình) chọn cho mình những vật liệu ngon nhất để làm bánh. Theo cô Thu, nếp được dùng phải là loại nếp dẻo và thơm. Lá chuối chọn để gói bánh là loại chuối hột, chọn những tàu xanh, tốt, rọc ra rồi đem phơi nắng cho dịu lại. Nhân bánh dùng bên trong có thể là đậu xanh, đậu đen và thịt heo. Ngày gói bánh, từ sáng sớm mọi người đã chia nhau công việc để làm, người khéo tay lo xào nếp, làm nhân, những người còn lại lau lá, chuẩn bị nồi nước to để nấu bánh. Đó là ngày vui nhất trong nhà, vì mọi người quây quần bên nhau trò chuyện rôm rả.
Mứt Tết thơm lừng
Tết không chỉ có bánh tét, mà còn có hương vị của bánh, mứt, hạt dưa… Trên bàn tiệc ấm áp ngày xuân, không ai quên một chiếc đĩa sứ thanh nhã, xếp gọn gàng bên trên bao nhiêu là bánh, mứt với đầy đủ hương thơm, màu sắc. Các loại mứt được ưa chuộng nhiều nhất là: mứt dừa, mứt me, mứt chùm ruột, mứt gừng…
Sau ngày 23 (âm lịch), phần lớn các gia đình đều chuẩn bị làm mứt ăn Tết. Gia đình cô Lê Thị Thu Hằng (ngụ xã Hòa An, Chợ Mới) cũng không ngoại lệ. Cô Hằng cho biết: “Mứt là món ăn không thể thiếu trong những ngày Tết. Năm nào cũng vậy, cứ đến 27-28 tháng Chạp là gia đình tôi mua một vài loại mứt. Năm nào có dư thì sắm nhiều một chút, năm nào làm ăn khó khănmua sắm ít hơn, nhưng nhất định phải có”. Theo cô Hằng, ngày xưa, mứt Tết chỉ xuất hiện cận Tết với khoảng chục loại mứt. Hiện nay, mứt có mặt quanh năm nhưng luôn hấp dẫn khách hàng bởi hương vị ngày càng phong phú.
Mứt Tết làm tại nhà vẫn ngon và ấm cúng hơn mua ở chợ
Tuy thị trường xuất hiện khá nhiều loại bánh, mứt nhưng nhiều gia đình xem việc tự làm mứt như là cách gắn bó các thành viên trong gia đình, khi mọi người cùng “trổ tài” để gửi đến bạn bè, người thân những tình cảm ngọt ngào. Như đã thành thói quen, cứ vào những ngày cuối cùng của năm là gia đình cô Trần Thị Phương (ngụ xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) lại làm một ít mứt dừa cùng một số loại bánh, mứt khác.
Đối với cô Phương, món mứt dừa ngày Tết không thể thiếu đối với gia đình ở miền quê. Khoảng 28-29 tháng Chạp, dù bận đến mấy gia đình cô vẫn ra trước nhà để hái những trái dừa đem xuống lấy nguyên liệu làm mứt. “Những ngày Tết như vầy, tự tay làm sẽ ngon hơn, mang đậm bản sắc dân tộc, lại an toàn thực phẩm”- cô Phương chia sẻ.
Dù là mua hay làm tại nhà, các loại bánh, mứt là món ăn không thể thiếu trong những buổi sum họp gia đình. Thưởng thức các món ăn truyền thống thống, kể nhau nghe chuyện cũ, bàn những chuyện đầu năm… Mứt đã trở thành món ngon truyền thống ngày Tết, thể hiện nét ẩm thực độc đáo của người Việt.
Chiếc bánh tét mang trong mình ý nghĩa nhân văn. Bánh được bọc nhiều lớp lá, như người mẹ bọc lấy người con; phần nhân bánh có nhiều lớp, như anh, chị, em trong gia đình thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Bánh tét sử dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiêu như: nếp, đậu, thịt heo, những nguyên liệu đơn sơ, mộc mạc nhớ đến công lao cực khổ của ông cha ta ngày xưa. Tất cả những ý nghĩa đó đã đề cao sức lao động của con người, gợi nhớ về tổ tiên, ông bà ngày trước.
ĐÌNH ĐỨC