Bí quyết của sự thành công
Cơ sở chế biến trà, cà phê Lâm Chấn Âu được thành lập vào năm 1984. Gần 35 năm phát triển, trải qua không ít khó khăn, thử thách, tuy nhiên với uy tín và sự bản lĩnh, thương hiệu Lâm Chấn Âu dần dần chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Chị Nguyễn Huỳnh Ngọc Chi, quản lý cơ sở cho biết, bí quyết để chinh phục thị trường chính là giữ hương vị thật trong từng SP. Để có được hương vị đặc trưng, ngoài việc sử dụng phương pháp chế biến truyền thống kết hợp với trang thiết bị hiện đại, nguyên liệu trà được thu mua từ các địa phương canh tác trà nổi tiếng như Bảo Lộc (Lâm Đồng). Bên cạnh việc chọn nguyên liệu trà chất lượng, cơ sở chủ động xây dựng khu vực trồng hoa lài trên diện tích 5.000m2 để chủ động nguồn hương liệu ướp trà. Vườn hoa lài được canh tác theo hướng an toàn sinh học để tạo ra SP sạch, đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
“Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã coi trọng việc xây dựng thương hiệu bằng cách đầu tư sản xuất, chế biến theo hướng an toàn, chứ không chạy theo lợi nhuận mà coi thường sức khỏe người tiêu dùng. Trong các SP của mình, chúng tôi không sử dụng chất tạo mùi hay tạp chất nên có giá cao hơn các mặt hàng cùng loại khác có mặt trên thị trường” - chị Chi cho biết. Cùng với trà lài, cơ sở còn sản xuất - kinh doanh mặt hàng cà phê đóng gói. Mặt hàng cà phê được sử dụng theo dây chuyền sản xuất khép kín nên đảm bảo được chất lượng cũng như các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, đây là sản phẩm sử dụng gia vị truyền thống nên giữ được hương vị độc đáo của cà phê.
Tiêu chí hoạt động của cơ sở là chú trọng chất lượng
Khẳng định vị thế
Một tin vui đến với “Lâm Chấn Âu” khi vừa qua, SP trà lài của cơ sở được vinh dự công nhận là 1 trong 9 SP công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018. Đây là tín hiệu đáng mừng cho những nỗ lực không mệt mỏi của cơ sở trong những năm qua. “Được công nhận SP công nghiệp nông thôn tiêu biểu là niềm vinh dự rất lớn đối với chúng tôi. Đây là sự minh chứng cho công sức lao động các anh chị em đang làm việc tại đây. Qua đó, tạo động lực cho chúng tôi tiếp tục phát triển, tạo ra nhiều SP chất lượng, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng” - chị Chi chia sẻ.
Mặc dù xuất hiện trên thị trường từ rất lâu nhưng cơ sở chế biến trà, cà phê Lâm Chấn Âu chỉ chủ trương nâng cao chất lượng của SP, mà hầu như chưa có chiến lược kinh doanh, quảng cáo. Vì vậy, thị trường hiện nay còn hạn chế, chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, TP. Long Xuyên... Ngoài ra, SP của Cơ sở chế biến trà, cà phê Lâm Chấn Âu còn có mặt ở một số nước Châu Á, Châu Âu theo hình thức quà tặng.
Chia sẻ về hướng phát triển trong thời gian tới, chị Chi cho biết, cơ sở sẽ trang bị thêm các loại máy móc, thiết bị phục vụ cho việc đẩy mạnh sản xuất, nâng cao sản lượng để cung ứng cho thị trường. Đồng thời, mở rộng thêm khu vực trồng lài trên diện tích 1ha, canh tác theo hướng an toàn sinh học (sử dụng nhà màng, ứng dụng hệ thống tưới tiêu thông minh)... để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ tốt cho sản xuất. Công việc này đòi hỏi kinh phí khá cao, chúng tôi mong được sự hỗ trợ của các ngành chức năng để đưa trà lài trở thành một trong những SP đặc trưng của tỉnh An Giang.
Sản phẩm trà Lâm Chấn Âu chiếm được lòng tin của người tiêu dùng
Cùng với việc đa dạng hóa SP, Cơ sở chế biến trà, cà phê Lâm Chấn Âu còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với mức lương ổn định khoảng 4,5 triệu đồng/tháng (có bao ăn và chỗ ở). Đặc biệt, trong thời gian qua, cơ sở còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội - từ thiện ở địa phương.
Các SP đạt chứng nhận SP công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được in logo của Chương trình bình chọn SP công nghiệp nông thôn tiêu biểu, ưu tiên hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương để phát triển SP. Ngoài ra, các cơ sở được tiếp cận các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước; được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện truyền thông địa phương... |
Bài, ảnh: ĐỨC TOÀN