Hương vị trái bứa trong món ngon đầu mùa lũ

10/09/2023 - 08:46

 - Trái bứa là loại gia vị đặc biệt trong ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, phổ biến sử dụng để kho cá, nấu canh chua, làm nước mắm chấm các món nướng… Độ chua thanh, thơm nhẹ của bứa làm cho hương và vị của các món ăn luôn trở nên đặc biệt.

Cây bứa mọc nhiều nhất ở những nơi có đồng bào Chăm sinh sống. Có cây sinh trưởng rất lâu năm, tỏa cành che mát cả khoảng đất rộng.

Hầu hết cây bứa mọc tự nhiên, có cây đến cả trăm năm tuổi, sinh trưởng rất khỏe. Dân số “nảy nở”, nên số lượng bứa ngày càng giảm, nhường chỗ cho nhà cửa và các loại cây kinh tế khác.

Cây bứa dễ nhận diện hơn vào mùa ra trái. Cây càng cao lớn, trái càng sai cành chi chít. Mùa bứa bắt đầu đúng dịp mùa nước nổi về, kéo dài trong 3 tháng hoặc hơn. Trái nhỏ nhắn màu xanh lẫn với màu lá, khi chín chỉ hơi ngả vàng và có rất nhiều mủ.

Từ loại gia vị thường nhật trong bữa ăn, ngày nay do hiếm dần, trái bứa được thu hoạch đem bán. 1 cây bứa có thể hái được 100kg trong suốt mùa, giá 30.000 đồng/kg.

Qua mùa bứa, muốn tìm trái tươi không dễ, đồng bào Chăm trữ lại bằng cách chẻ mỏng phơi khô, hoặc làm muối chua bảo quản trong tủ lạnh.

Trong chế biến các món ăn, vì có vị chua, trái bứa được sử dụng tương tự chanh, me, trái bần, trái giác... Mùa này, nước lũ mới về, ngon nhất là thưởng thức canh chua cá linh nấu bứa hoặc cá linh non kho bứa.

Cá linh non thịt mềm, ngọt, ít xương, người ta chỉ cần móc ruột, để nguyên vảy, rửa sạch. Nồi cá kho chỉ cần 1 trái bứa là biến đổi hương vị thấy rõ. Vị mặn mòi được trung hòa bởi độ chua thanh, dìu dịu rất dễ ăn.

Người miền Tây đãi khách, chỉ cần sửa soạn nồi cá linh kho lạt, nồi lẩu, hay canh chua, rồi thả vào trái bứa, bên mâm cơm kèm theo đặc sản đồng quê là cá đồng, đĩa rau sống đầy ắp. Trái bứa vừa chín mềm thì dầm ra như dầm me. Người thích ăn bứa, không diễn tả mùi vị của chúng một cách dông dài, cụ thể, chỉ kết luận "ngon đáo để", khó lẫn vào đâu được.

HOÀI ANH