Hương vị trái xay rừng

11/12/2019 - 07:25

 - Bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 10 (âm lịch) hàng năm, bà con dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer ở huyện miền núi Tri Tôn chuẩn bị cho những chuyến băng rừng để hái trái xay. Đây là loại trái hoang dã, mọc tự nhiên nhưng mang hương vị rất độc đáo của núi rừng, được rất nhiều người ưa chuộng.

Hương vị núi rừng

Thời điểm này, đi dọc theo các tuyến đường từ thị trấn Tri Tôn qua các xã: Núi Tô, An Tức, Ô Lâm, Cô Tô hoặc từ Tri Tôn đi Châu Lăng, Lương Phi, thị trấn Ba Chúc… thỉnh thoảng bắt gặp hình ảnh người phụ nữ đồng bào DTTS Khmer bên các sạp trái cây ven đường. Trên những chiếc sạp, ngoài các loại cây ăn trái thông thường đã quá quen thuộc người dân như: ổi, xoài, mận… còn có 1 loại trái cây có màu đen, hình bầu dục, kích thước chỉ bằng đầu ngón út trông khá lạ mắt, đó là trái xay, một trong những loại trái cây hoang dã, được tìm thấy nhiều ở vùng Bảy Núi.

Trái xay giúp nhiều hộ dân tộc thiểu số Khmer cải thiện thu nhập

Cô Néang Thi Phát (xã Châu Lăng, Tri Tôn) - một trong những người bán trái xay tại địa phương cho biết, cây xay thường mọc rải rác ở vùng núi cao như: núi Cô Tô, núi Dài, núi Cấm…. Cây xay mọc tự nhiên không ai trồng và không cần phải tốn công chăm sóc; mỗi cây trưởng thành có chiều cao từ 20-40m, tán rộng, lá xanh um và nhờ hút “tinh hoa của đất trời” mà cây sinh trưởng, phát triển khá tốt. Thông thường, cứ vào khoảng tháng 7 (âm lịch) là cây bắt đầu ra hoa, kết trái, đến khoảng tháng 9 bắt đầu cho thu hoạch trái. Đặc biệt, cây xay càng lâu năm thì tán lá càng rộng, cho trái càng sai. Khi đã đến mùa thu hoạch, những người đàn ông DTTS Khmer lại băng rừng, vượt núi để hái trái xay về bán cho du khách. Để thu hoạch trái chín, thông thường người dân phải trực tiếp leo lên cây. Ngoài ra, còn 1 biện pháp để thu hoạch nữa là dùng những cây móc, được làm bằng những cây tre dài để hái trái. Tuy nhiên, dù thu hoạch bằng cách nào thì đây cũng là công việc vô cùng khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Trái xay có hình bầu dục, kích thước chỉ bằng đầu ngót út. Trái khi còn sống có màu xanh, khi chín vỏ dần chuyển sang màu đen. Vỏ trái xay mỏng, giòn, chỉ cần dùng tay ấn nhẹ là sẽ làm vỡ lớp vỏ để lộ ra lớp thịt bên trong. Thịt trong trái thường có màu vàng đậm, xốp và mềm. Khi ăn cảm giác đầu tiên là trái có vị chua chua, nhưng để lâu một chút sẽ thấy vị chua tan biến, còn đọng lại vị ngọt thanh rất riêng biệt, mang hương vị đặc trưng của rừng núi.

Món quà từ thiên nhiên

Trái xay là một trong những món ăn vặt khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là đối với các em thiếu nhi ở địa phương. Còn đối với du khách phương xa, trái xay được xem là món quà độc đáo dành tặng cho bạn bè, người thân khi có dịp du ngoạn vùng Bảy Núi. Còn đối với đồng bào DTTS Khmer, trái xay là món quà mà thiên nhiên ban tặng vì nó đã giúp họ có thêm thu nhập, trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. “Nghe thông tin từ những người bạn, ở vùng Bảy Núi này đang đến mùa của trái xay, hôm nay mới có dịp đến đây và thưởng thức. Trái xay có hương vị độc đáo, vừa chua lại có hậu ngọt nên mình rất thích. Sẵn dịp, mình mua một ít về tặng mấy người bạn ở TP. Long Xuyên để làm quà và cùng thưởng thức” - bạn Lê Thị Yến Nhi (đến từ TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Thời điểm này, trái xay đang ít dần do chuẩn bị hết mùa, chỉ còn một số cánh rừng thuộc khu vực núi Cấm và núi Dài là còn trái xay, nhưng số lượng rất hạn chế. Cô Phát (một người dân sinh sống ở đây) cho biết, khi trái xay ở khu vực này “hết hàng”, bà con mua lại từ các bạn hàng ở Phnôm Pênh (Vương quốc Campuchia) để bán lại cho du khách gần xa. Trái xay được bà con bán theo từng chùm, mỗi chùm có giá khoảng 5.000 đồng, bình quân mỗi ngày cô Phát bán được khoảng 50 chùm trái xay, kiếm thu nhập cũng được vài trăm ngàn đồng. Nhờ vậy giúp cô trang trải một phần cuộc sống.

Bên cạnh trâm rừng, thốt nốt, trái trường, nhu rừng… thì trái xay là một trong những loại đặc sản núi rừng được nhiều người biết đến. Cùng với phong cảnh thiên thiên hùng vĩ, hữu tình, các loại trái cây đặc sản của núi rừng Bảy Núi đã và đang góp phần tạo điểm nhấn cho việc phát triển du lịch của địa phương.

ĐÌNH ĐỨC