Huyện Chợ Mới thực hiện hiệu quả mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em

30/11/2023 - 16:48

 - Mô hình “Quản lý trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ” được Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới (tỉnh An Giang) thực hiện thí điểm năm 2022. Sau thời gian đánh giá có hiệu quả, mô hình đã được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội An Giang đã nhân rộng ở nhiều địa phương, lan tỏa trong cộng đồng về trách nhiệm chia sẻ, chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tiếp nối những kết quả đạt được, huyện Chợ Mới được nhân rộng mô hình thêm 4 xã, thị trấn, nâng tổng số địa bàn thực hiện 10 xã, thị trấn. Tại xã Long Điền A, mô hình được triển khai với các nội dung: Tuyên truyền, tư vấn, kết nối hỗ trợ các trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Toàn xã có 35 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó 13 nam và 22 nữ. Xã đã vận động các nguồn hỗ trợ cho trẻ, như: Gạo, mì, dầu ăn, thực phẩm, dinh dưỡng… nguồn kinh phí vận động hỗ trợ cho các trẻ 20 triệu đồng.

Trước đó, mô hình này triển khai ở 6 xã, thị trấn, gồm: Long Kiến, Mỹ Hiệp, Long Điền B, Kiến An, Long Giang và thị trấn Chợ Mới. Trong năm 2023, phòng tiếp tục nhân rộng thêm 4 xã, thị trấn, gồm: Long Điền A, Mỹ Hội Đông, thị trấn Hội An và thị trấn Mỹ Luông. Công tác hỗ trợ cho trẻ em chủ yếu về y tế, giáo dục, tư vấn tâm lý, đặc biệt quan tâm các dịp lễ, Tết, tặng quà, động viên khích lệ tinh thần…

Đối với các xã mới thực hiện mô hình trong năm nay, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới lưu ý lãnh đạo địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác bảo vệ trẻ em; cán bộ trẻ em có năng lực, tâm huyết triển khai thực hiện nhiệm vụ; công tác phối hợp liên ngành tốt; có hệ thống cộng tác viên ổn định, nhiệt tình…

Tại xã An Thạnh Trung, là địa phương không nằm trong mô hình quản lý cas nhưng có mô hình “Địa chỉ tin cậy – nhà tạm lánh” quản lý trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Chị Phan Thị Hường (cán bộ trẻ em ở xã) cho biết, trên địa bàn có tổng cộng 24 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong đó, trường hợp đáng chú ý là em Vũ Kim Quang, sinh năm 2008, ngụ ấp An Hưng. Mẹ bỏ đi, cha qua đời do tai nạn lao động, lúc đó Quang chỉ mới 6 tuổi, nay em đã lên lớp 10.

Nhiều năm qua, sống trong cảnh thiếu vắng tình thương của cha mẹ, nương nhờ nhà của chú, Quang trở thành đứa trẻ nhút nhát, mặc cảm, ít giao tiếp với mọi người. Hoàn cảnh khó khăn, những lúc thiếu thốn bữa ăn, đau ốm, em cũng lẳng lặng chịu đựng. Tiếp cận những hoàn cảnh như em Quang, cán bộ làm công tác rất xúc động và càng quyết tâm gần gũi, giúp đỡ các em đã giúp em dần xóa mặc cảm trong cuộc sống hòa nhập với cộng đồng.

Mỗi trường hợp hỗ trợ, cán bộ trẻ em lập hồ sơ quản lý cas theo Nghị định 56/2017/NĐ của Chính phủ, đưa ra họp Ban điều hành bảo vệ chăm sóc trẻ em cấp xã để lê kế hoạch thực hiện và vận động từ nguồn xã hội hóa. Từ đó, các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm cùng chung tay hỗ trợ vật chất, tinh thần cho các em. Trường hợp của em Kim Vũ Quang, thời gian qua các nguồn hỗ trợ đã giúp em có xe đạp đến trường, quạt máy, đồ dùng học tập, học phí, nhu yếu phẩm… Hiện nay, địa phương đang tính đến việc vận động giúp em sửa chữa căn nhà em đang ở.

Ngoài ra, các trẻ khác trên địa bàn xã nằm trong hoàn cảnh mồ côi, bệnh nặng, khuyết tật… Một số em đang đến tuổi dậy thì, sống với ông bà lớn tuổi, khó quản lý giáo dục các em nên nguy cơ bị xâm hại rất cao. Có trường hợp chỉ có 2 chị em gái sống trong nhà, tự chăm lo cho cuộc sống.

Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Chợ Mới Lê Thị Huyền Trân cho biết, mô hình “Quản lý trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” nhằm quản lý kịp thời và đầy đủ các trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại, bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn huyện.

Đồng thời, tạo điều kiện giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được bảo vệ, chăm sóc, phục hồi và hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là hoạt động trọng điểm để nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ trẻ em theo 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp theo quy định của Luật trẻ em năm 2016 và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Trên toàn tỉnh An Giang, mô hình này đang được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội duy trì ở 67 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố (thí điểm trong năm 2022). Hiện nay, mô hình tiếp tục nhân rộng ở 30 xã, phường, thị trấn mới cho 10 huyện, thị xã (trừ TP. Châu Đốc). Nội dung triển khai gồm rà soát, thống kê số liệu trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại địa bàn triển khai thí điểm.

MỸ HẠNH