Phần trình diễn nghệ thuật "Huyền thoại bước chân"(Ảnh: Báo Văn hóa)
Sự kiện do Trung tâm xúc tiến quảng bá di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (thuộc Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp gia đình nghệ nhân Phạm Quang Xuân và các nghệ sĩ thực hiện.
Phần triển lãm trong khuôn viên Bảo tàng Hồ Chí Minh giới thiệu đến công chúng nhiều hình ảnh tư liệu và hiện vật về dép cao-su (còn gọi là dép lốp) theo thứ tự thời gian, từ các mẫu dép có tên gọi gắn với các thời kỳ lịch sử như dép lốp "Trận chiến Ðiện Biên Phủ", dép "Thanh niên xung phong"... cho đến dép lốp thời trang và mang ý nghĩa bảo vệ môi trường thông dụng hiện nay. Tham quan triển lãm, người xem ấn tượng với đôi dép cao-su Bác Hồ do nghệ nhân Phạm Quang Xuân tái tạo. Ông Xuân là một trong số ít nghệ nhân được chọn làm "dép Cụ Hồ" được trưng bày, giới thiệu tới du khách tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh nhiều năm qua.
Nghệ nhân 80 tuổi này cũng có mặt tại triển lãm để chia sẻ về những tác phẩm của mình. Ông cho biết dép cao-su Bác Hồ ra đời vào khoảng năm 1947, chế tạo từ một chiếc lốp ô-tô quân sự của Pháp do quân đội Việt Nam thu được sau trận phục kích tại Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt yêu thích đôi dép này và Người đã sử dụng trong suốt 20 năm từ năm 1947 đến khi Người qua đời. Ðôi dép cũng theo chân Người đến nhiều quốc gia như Trung Quốc, Pháp, Ấn Ðộ… Hiện nay, đôi dép bản gốc đang được trưng bày trong Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng với bộ trang phục giản dị, đôi dép cao-su ấy đã trở thành biểu tượng về đức tính khiêm nhường, giản dị của vị lãnh tụ vĩ đại. Những đôi dép cao-su như thế cũng đã theo các chiến sĩ ta hành quân, đánh trận... trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Trời nắng, dép nhẹ, dễ di chuyển, trời mưa đường sình lầy thì dép bám đường, dễ làm sạch. Dép siêu bền và có thể dùng được hàng chục năm. Dép cao-su vì thế có thể được coi như một "nhân chứng" của thời đại.
Phần thứ hai là trình diễn nghệ thuật "Huyền thoại bước chân", với thời lượng 45 phút và kết hợp nhiều loại hình trên sân khấu như hát, múa, nhảy hiện đại, kịch nói, trình chiếu ánh sáng và tương tác trực tiếp với khán giả. Vở diễn là một sáng tạo của các nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ với góc nhìn mới về đôi dép cao-su chứa đựng nhiều giá trị lịch sử. Màn kết là tiết mục "Vũ điệu dép lốp" với phần âm nhạc mạnh mẽ, hiện đại, sôi nổi và biên đạo múa trẻ trung, dễ lan tỏa.
Ðáng chú ý, khi tham gia buổi diễn này, tất cả diễn viên, ca sĩ và khán giả sẽ được phát dép lốp để sử dụng. Ðiểm nhấn của màn trình diễn là phần nghệ nhân trực tiếp làm dép lốp và thuyết minh từng công đoạn cho người xem, gồm quay lốp thành tấm cao-su, khoanh đế dép, khoét đế dép, đục lỗ xâu quai, rút quai dép.
Dép cao-su trong quá khứ là một biểu tượng cho sự kiên cường, bất khuất đã làm nên chiến thắng của dân tộc Việt Nam, còn bây giờ lại mang thêm những yếu tố của thời đại mới: sáng tạo, bền bỉ và đặc biệt thân thiện với môi trường. Dép cao-su được nhiều người tiêu dùng hiện đại ưa chuộng sử dụng hoặc mua làm quà tặng, với mẫu mã và mầu sắc phong phú. Nhiều vị khách nước ngoài tỏ ra rất hứng thú và hoan nghênh việc tái chế dép từ lốp cao-su bỏ đi, không chỉ đẹp mắt mà còn góp phần giảm rác thải.
Ông Nguyễn Tiến Cường, người kế thừa nghệ nhân Phạm Quang Xuân, cũng là người sáng lập và điều hành thương hiệu Vua Dép Lốp, cho biết: "Chương trình được kỳ vọng sẽ tổ chức định kỳ thường xuyên tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, góp phần kể câu chuyện lịch sử theo nhiều cách thức phong phú, hấp dẫn công chúng, đa dạng hóa các trải nghiệm của du khách khi tới bảo tàng, di tích. Ðã có một số công ty du lịch, lữ hành liên hệ với chúng tôi để hợp tác, kết nối, đưa buổi diễn vào lịch trình tour phục vụ du khách đến Hà Nội trong thời gian tới."
Với cách khai thác mới mẻ, sáng tạo nhưng vẫn tôn trọng giá trị nguyên bản, "Huyền thoại bước chân" không chỉ tôn vinh kỹ thuật thủ công và người nghệ nhân Việt Nam, mà còn góp phần khơi dậy trách nhiệm cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các sản phẩm văn hóa, lịch sử.
Theo Nhân Dân