Huyền tích kỳ bí dưới chân núi Kéc

19/04/2024 - 05:57

 - Núi Kéc (Anh Vũ Sơn, phường Thới Sơn, TX. Tịnh Biên, tỉnh An Giang) nằm trong dãy Thất Sơn kỳ bí. Thời xa xưa, nơi đây từng ẩn chứa nhiều huyền tích thời “mai danh ẩn sĩ” rất hấp dẫn. Cho đến bây giờ, những câu chuyện đó vẫn còn lưu truyền trong dân gian.

Ông Tăng Chủ cứu hổ mắc xương

Trong số “thập nhị hiền thủ” của Đức Phật Thầy Tây An (cụ Đoàn Minh Huyên) thì ông Bùi Văn Thân là đồ đệ thứ hai sau Đức Quản Cơ Trần Văn Thành đến bái sư học đạo, được giao trông giữ Trại Rẫy (đình Thới Sơn ngày nay). Người trong bổn đạo giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương thường gọi ông Bùi Văn Thân là Tăng Chủ. Tương truyền, ngoài việc tu luyện đạt được “phép thần thông”, ông Tăng Chủ còn “hàng phục” được mãnh hổ.

Hôm leo núi Kéc gặp ông Nguyễn Văn Sơn, người tu trên núi kể rằng, thuở xưa khu vực núi Kéc có cọp, beo xuất hiện đầy rừng. Từ ngày ông Tăng Chủ được giao trông giữ Trại Rẫy thì thú dữ đều rất sợ. Mỗi lần đi rừng, nếu cọp thấy ông Tăng Chủ thì quỳ mọp đầu, có lúc còn quấn quýt theo ông lên núi. Hồi đó, người ta nể phục ông Tăng Chủ ăn ở hiền lành, đức độ nên muôn thú có hung dữ mấy cũng hóa lành.

Trên núi Kéc, người dân xây tượng ông Tăng Chủ thu phục mãnh hổ mắc xương

Đối với loài mãnh hổ, người dân truyền miệng rằng, một hôm, nhập nhoạng tối, Đức Phật Thầy Tây An đi xa về. Khi ngài vào gần tới am, cốc thấy một con hổ ngồi ủ rũ gần bàn thông thiên. Vừa thấy ông, cọp liền há miệng ra. Đức Phật Thầy kêu ông Tăng Chủ ra coi hổ đau gì mà ngồi đó. Ông Tăng Chủ đang ở phía sau am, cốc trông rẫy, nghe tiếng Đức Phật Thầy liền chạy ra chỗ hổ ngồi. Thấy hổ há miệng ra mắc khúc xương to, ông Tăng Chủ cung tay đấm ngay cổ hổ ba cái.

Sau đó, khúc xương rớt ra từ miệng hổ. Hôm sau, trước Trại Rẫy có 1 con heo rừng bị hổ vật chết còn in dấu răng. Các đạo sĩ ngầm hiểu đó là quà con hổ mang đến đền ơn ông Tăng Chủ. Ngày nay, tại di tích chùa Phước Điền, nhiều người dân sống quanh đó vẫn hay kể cho nhau nghe câu chuyện ấy. Trên núi Kéc, người dân còn xây tượng ông Tăng Chủ và những con hổ đang bị mắc xương để du khách nhớ về cái thờ; cha ông đi khai hoang lập làng.

Thuần dưỡng cá sấu mũi đỏ

Trưa Bảy Núi nắng nóng như thiêu đốt, chúng tôi về vùng đất Thới Sơn anh hùng, để nghe kể về đạo sĩ Đình Tây thuần dưỡng cá sấu mũi đỏ 5 chân. Hiện nay, những bảo bối thu phục “nghiệt thú” này vẫn còn gìn giữ cẩn thận, lưu truyền khắp vùng. Bước vào khu vực mộ ông Đình Tây (Bùi Văn Tây), chúng tôi tìm gặp bà Hồ Thị Cưng (Út Cưng), cháu ngoại đời thứ tư của ông Đình Tây đang trông coi hương khói và những hiện vật bắt cá sấu 5 chân. Vào những ngày cuối tuần hoặc lễ giỗ cụ Đình Tây, bà con khắp nơi về đây cúng viếng rất đông.

Bức họa cá sấu mũi đỏ

Chỉ tay về các bảo bối, bà Cưng kể: “Ngày trước, ông ngoại bà là đạo sĩ tu dưới chân núi Kéc, đệ tử thứ 3 của cụ Đoàn Minh Huyên (Đức Phật Thầy Tây An). Trong một lần tới vùng đất Láng Linh bốc thuốc trị bệnh, bỗng dưng trong căn nhà lá lụp xụp có tiếng rên la của 1 phụ nữ đang chuyển dạ.

Thấy người phụ nữ đau đớn chuẩn bị sanh nhưng không có chồng ở nhà, trước hoàn cảnh đáng thương, ngoại tôi xắn tay áo vào nhà giúp người phụ nữ kia sinh nở an toàn”. Cũng ngay hôm đó, vừa bước về nhà thấy vợ mình “mẹ tròn con vuông”, ông chồng lập tức đến ôm vợ con mừng rơi nước mắt. Sau đó, bà vợ nói với giọng yếu ớt: “Nhờ ông Đình Tây mà mẹ con em mới sinh được an toàn như vậy…”.

Khi đó, ông chồng về nhà quảy chiếc rọng với đầy đủ cá, rắn, rùa… Thế nhưng, thật kỳ lạ, trong chiếc rọng có một con cá sấu to bằng cườm tay, đặc biệt có đến 5 cái chân, mũi đỏ chót. Để đền ơn ông Đình Tây, người thợ săn biếu con cá sấu làm quà kỷ niệm.

Nhìn con cá sấu có hình thù quái dị, ông Đình Tây thích thú liền mang về nuôi. Sau khi mang con cá sấu về, ông Đình Tây trình với Đức Phật Thầy. Lúc đầu, tưởng rằng là con cá sấu bình thường, nào ngờ khi giở nắp rọng ra, Đức Phật Thầy lắc đầu, bảo ông Đình Tây không nên nuôi con “nghiệt thú” ấy, sau này sẽ làm điều hại dân. 

Không nghe lời răn của sư phụ, ông Đình Tây lén lút đem con cá sấu thả ở một góc hồ sen trước sân đình (nay là Phước Điền tự). Cứ mỗi chiều chập choạng, ông Đình Tây mang cơm, chuối, trái cây ra cho con cá sấu ăn. Mặc dù, con sấu “ăn chay”, nhưng vẫn lớn nhanh như thổi. Thấy con sấu quá to, càng hung hăng, ông Đình Tây dùng dây xích trói 1 chân, không cho nó thoát ra khỏi hồ.

Đêm tháng 8 nước lũ trắng đồng, trời trở gió, mưa to, giông giật, sấm chớp ùn ùn, con cá sấu xổng dây. Sáng thức giấc, ông Đình Tây phát hiện con sấu xổng mất. Khi kiểm tra sợi dây trói thì ông Đình Tây thấy còn dính lại 1 chân con cá sấu. Lần theo dấu vết, biết chắc là con cá sấu đã đi xuống nhà dân, sau đó ông mới bẩm với Đức Phật Thầy để tìm cách bắt lại.

Người dân đến viếng và xem bảo bối thu phục cá sấu mũi đỏ

Được sư phụ trao cho món bảo bối, gồm: 2 cây lao, 1 cây mun cổ phụng, 1 lưỡi câu và 1 sợi dây thừng, ông Đình Tây cùng đồ đệ của mình đi bắt “nghiệt thú”. Nhiều người cho rằng, con cá sấu mà ông Đình Tây nuôi lớn bằng chiếc xuồng, mỗi lần ai chèo ghe ngang trên đồng lũ đều bị con cá sấu nhấn chìm.

Ngoài ra, khi đói, con cá sấu còn lên bờ đuổi bắt gà, heo, thậm chí còn rượt cả người, gây ra biết bao nỗi kinh hoàng cho người dân. Nhưng điều lạ là mỗi lần nghe tin ông Đình Tây cùng đệ tử xuống tận nơi truy tìm thì con cá sấu trốn mất. Con cá sấu quá tinh khôn, ông Đình Tây dẫn nhiều môn đệ đến vây bắt mà vẫn không dính. Sau đó, nó trốn đi mất tăm.

Từ đó về sau, không nghe mọi người than phiền con cá sấu này nữa. Khi ông Đình Tây viên tịch thì những món bảo bối được gìn giữ trong khung kính cẩn trọng. Hàng năm, đến ngày giỗ ông Đình Tây, nơi đây thu hút rất đông du khách thập phương đến cúng viếng.

Cho đến nay, trải qua hàng trăm năm, nhưng cư dân Nam Bộ vẫn truyền miệng nhau những câu chuyện thực hư về ông Đình Tây và con sấu mũi đỏ. Họ cho rằng, đây là “sấu thần” đang ẩn mình trên sông Vàm Nao. Ngày nay, Ban Quản lý Đình Thới Sơn đang tiến hành xây dựng công trình hồ cá sấu năm chèo, với diện tích 3.500m2. Riêng, mô hình cá sấu năm chèo cao 8m, dài 52m, rộng 7,2m để du khách đến chiêm ngưỡng.

LƯU MỸ