Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Nam Tangerang, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)
Chính phủ Indonesia đang chuẩn bị thực hiện chính sách "bong bóng du lịch" với một số nước thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 và có thỏa thuận thiết lập hành lang du lịch với quốc gia Đông Nam Á này.
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 6-6, ông Sonny Harmadi, quan chức thuộc Lực lượng Đặc nhiệm xử lý COVID-19, cho biết “bong bóng du lịch” sẽ giúp người dân và du khách tự do đi lại và được miễn yêu cầu tự cách ly khi nhập cảnh.
Theo ông, có 3 khu vực được ưu tiên nối lại hoạt động du lịch bao gồm Bintan, Batam ở tỉnh Quần đảo Riau và Bali. Hiện chính phủ đang hoàn thiện quy định triển khai “bong bóng du lịch” ở ba khu vực này.
Chính phủ Indonesia cũng đang cân nhắc một số yếu tố tại các khu vực nằm trong chương trình “bong bóng du lịch” như tỷ lệ lây nhiễm thấp, số ca dương tính và năng lực tiếp nhận của các cơ sở y tế trong giới hạn an toàn, trước khi nới lỏng các hạn chế cộng đồng.
Ông Sonny cho hay Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo sẽ mở cửa theo từng giai đoạn đối với khách du lịch nước ngoài tại Bali và Quần đảo Riau. Chính quyền địa phương sẽ thiết lập các “vùng xanh” tại hai tỉnh này trước khi áp dụng “bong bóng du lịch” đối với các du khách nước ngoài.
Tại thiên đường du lịch Bali, các “vùng xanh” sẽ được thiết lập ở các thị trấn Sanur, Ubud và Nusa Dua. Trong khi đó, ở Quần đảo Riau, chính phủ sẽ thiết lập vùng xanh ở 3 khu nghỉ dưỡng trên đảo Bintan và một số sân golf trên đảo Batam.
Trong quá trình thực hiện “bong bóng du lịch,” chính phủ sẽ áp đặt các điều kiện nhất định đối với du khách nước ngoài, như phải tiến hành xét nghiệm PCR có kết quả âm tính trước và sau khi nhập cảnh vào Indonesia.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định liên quan đến du khách đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo ông Sonny, Bộ Du lịch và kinh tế sáng tạo đã hoàn tất kế hoạch hợp tác thiết lập “bong bóng du lịch” với 5 quốc gia bao gồm Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan.
Cùng ngày, người phát ngôn chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 của Bộ Y tế Indonesia, bà Siti Nadia Tarmizi cho biết chính phủ nước này đã nhận được thêm 313.100 liều vaccine AstraZeneca.
Lô vaccine nói trên đã được bàn giao vào ngày 5-6, nâng tổng số vaccine ngừa COVID-19 mà Indonesia đã tiếp nhận lên 92,2 triệu liều.
Bà Siti Nadia nhấn mạnh rằng việc tiếp nhận lô vaccine AstraZeneca từ cơ chế tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX là thành quả các nỗ lực của Chính phủ Indonesia từ tháng 10-2020. Thông qua cơ chế hợp tác đa phương này, Indonesia được đảm bảo vaccine để tiêm chủng cho 20% dân số.
Theo bà Siti Nadia, tính đến nay Indonesia đã nhận được tổng cộng 3 triệu liều vaccine của Sinovac, 6,7 triệu liều vaccine AstraZeneca, 1 triệu liều vaccine của Sinopharm và nguyên liệu để sản xuất 81,5 triệu liều vaccine của Sinovac.
Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực cải thiện các dịch vụ tiêm chủng nhằm đạt mục tiêu tiêm trung bình 1 triệu liều/ngày từ tháng này nhằm nhanh chóng đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Hiện chương trình tiêm chủng quốc gia đã được triển khai đối với các nhân viên y tế, công chức và viên chức, người cao tuổi và đang bắt đầu tiêm cho những người trên 50 tuổi.
Tính đến ngày 4-6, tổng cộng đã có 17,3 triệu người được tiêm mũi đầu tiên và 11,1 triệu người khác đã được tiêm đầy đủ hai mũi. Ngoài ra, hơn 49.000 lao động cũng đã được tiêm chủng trong khuôn khổ chương trình tiêm chủng tư nhân mang tên Gotong Royong (Hợp tác cùng nhau).
Theo HỮU CHIẾN (TTXVN/Vietnam+)