Israel tiếp nhận 3.000 người Ethiopia nhập cư

29/11/2021 - 13:53

Ngày 28-11, Chính phủ Israel thông báo chấp thuận cho nhập cư đối với 3.000 người Ethiopia có thân nhân ở Israel.

 Người dân phải rời nhà cửa do xung đột tại Tigray, Ethiopia, ngày 19-6-2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết nội các nước này đã nhất trí cho phép nhập cư "ngay lập tức" đối với 3.000 người Ethiopia có "thân nhân cấp một". Đối tượng thuộc diện có "thân nhân cấp một" được xác định là những người có cha mẹ, con hoặc anh chị em ở Israel.

Những người đủ điều kiện nhập cư sẽ được phép mang theo vợ/chồng, con chưa thành niên và con trưởng thành chưa lập gia đình. Ngoài ra, người có cha mẹ đến Israel và đã qua đời ở đây cũng sẽ được phép nhập cư.

Bộ trưởng Nhập cư Pnina Tamano-Shata - người phụ nữ Do Thái gốc Ethiopia đầu tiên được bầu vào Quốc hội Israel - đã hoan nghênh quyết định trên. Bà đánh giá đây là một quyết định có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng người Ethiopia ở Israel và gia đình của họ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các gia đình được đoàn tụ sau hàng chục năm chờ đợi.

Những người Ethiopia được chấp thuận nhập cư là thành viên của Cộng đồng Falash Mura. Cộng đồng Falash Mura tại Ethiopia khẳng định họ là hậu duệ của những người Do Thái và hầu hết trong số họ buộc phải cải đạo sang Cơ đốc giáo trong thế kỷ 19, song vẫn duy trì gắn kết chặt chẽ với truyền thống Do Thái. Trên thực tế, Israel đã tiếp nhận hàng chục nghìn người gốc Do Thái từ quốc gia châu Phi này trong giai đoạn thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước.         

Năm 2015, Chính phủ Israel đã phê duyệt một danh sách 9.000 người Ethiopia được phép nhập cư nước này trong vòng 5 năm theo diện đoàn tụ gia đình, nhưng đã thu hồi quyết định một năm sau đó với lý do ngân sách eo hẹp. Cộng đồng người Ethiopia ở Israel hiện có khoảng 140.000 người, trong đó trên 50.000 người sinh ra tại nhà nước Do Thái này.

Quyết định mới nhất được Israel đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ethiopia kéo dài 1 năm qua chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hàng nghìn người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra vào tháng 11/2020 tới nay, gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo và khiến hàng trăm nghìn người trên bờ vực của nạn đói, hơn 2 triệu người phải di tản. Xung đột leo thang làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bất ổn rộng hơn ở vùng Sừng châu Phi.

Theo TRẦN QUANG (Báo Tin Tức)