Cảnh đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống Gaza ngày 12/10. Ảnh: THX/TTXVN
Đài BBC (Anh) đưa tin LHQ ước tính có khoảng 1,1 triệu người – gần một nửa dân số của toàn bộ Dải Gaza – nằm trong nhóm bị yêu cầu rời đi. Khu vực bị ảnh hưởng bao gồm thành phố Gaza đông dân cư. Israel đưa ra yêu cầu này vào 23 giờ tối 12/10, theo giờ Gaza và Jerusalem.
Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric đã nhấn mạnh trong tuyên bố chính thức: "LHQ cho rằng việc tiến hành di chuyển như vậy có thể gây ra hậu quả nhân đạo tàn khốc. LHQ kêu gọi mạnh mẽ hủy bỏ bất kỳ mệnh lệnh nào như vậy để tránh điều có thể khiến những gì vốn đã là một thảm kịch thành một tình huống tai họa”.
Ông Stephane Dujarric cho biết yêu cầu của quân đội Israel cũng được áp dụng với tất cả nhân viên của LHQ và những người đang lánh nạn trong các cơ sở như trường học, trung tâm y tế, phòng khám.
Người dân tìm kiếm người bị mắc kẹt trongđống đổ nát sau vụ không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 11/10. Ảnh: THX/TTXVN
BBC nhận định Israel đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trên bộ khi họ tập trung binh lính, pháo hạng nặng và xe tăng ở biên giới với Gaza. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã dự đoán về một "cuộc chiến lâu dài và khó khăn”. Ngày 8/10, Israel chính thức thông báo nước này “đang trong tình trạng chiến tranh”.
Israel đã tiến hành các cuộc không kích vào Gaza kể từ hôm 7/10 sau cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng Hamas vào Israel. Ngày 9/10, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, thông báo quyết định phong tỏa toàn bộ Dải Gaza, trong đó có lệnh cấm nhiên liệu và lương thực. Người dân ở Dải Gaza đang đối mặt với thảm họa nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn trong khi các hoạt động viện trợ nhân đạo quốc tế đến khu vực này hiện gặp trở ngại.
Ngày 11/10, nhà chức trách Dải Gaza thông báo điện lưới khu vực đã sập hoàn toàn sau khi nhà máy điện duy nhất dừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu trong bối cảnh Israel phong tỏa toàn bộ vùng đất này.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 9/10 đã kêu gọi chấm dứt vòng luẩn quẩn bạo lực giữa người Palestine và người Israel. Tổng Thư ký Guterres nêu rõ tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rẽ là cuộc xung đột lâu dài từ hàng chục năm trước và chưa có hồi kết chính trị. Ông nhấn mạnh đã đến lúc chấm dứt vòng luẩn quẩn này.
Theo Báo Tin Tức