Kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước qua hội nghị về chuỗi sản xuất thông minh

25/03/2024 - 14:26

Lần đầu tiên một hội nghị chuyên sâu về chuỗi sản xuất thông minh được tổ chức tại Việt Nam để tìm kiếm sự hợp tác, hiện thực hóa cơ hội đưa Việt Nam trở thành mắt xích sản xuất mới của châu Á trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina (FDI Hàn Quốc), Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TUẤN ANH)

Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Hana Micron Vina (FDI Hàn Quốc), Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: TUẤN ANH)

Ban tổ chức hội nghị "Chuỗi sản xuất thông minh và chuỗi cung ứng toàn cầu Việt Nam (VGMF) 2024" cho biết, đã có hơn 300 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, chế biến, chế tạo đăng ký tham dự hội nghị diễn ra ngày 26/3 tại Trung tâm hội nghị quốc gia (Hà Nội).

Đây là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sản xuất đang hoạt động tại Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn, thiết bị của Việt Nam.

Thay mặt ban tổ chức hội nghị, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam cho biết sự kiện được tổ chức trong bối cảnh sản xuất thông minh đã trở thành lực lượng chủ chốt thúc đẩy nâng cấp công nghiệp và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Với vai trò là mắt xích sản xuất mới của châu Á, Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất thông minh toàn cầu.

VGMF 2024 nhằm mục đích kiến tạo nền tảng giao tiếp và thảo luận và đưa ra kiến nghị cho các cơ quan chính phủ, hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu khoa học ở Việt Nam các nước trong khu vực.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về các công nghệ mới nhất, xu hướng ngành, môi trường chính sách, cơ hội đầu tư trong lĩnh vực sản xuất thông minh và cách tìm ra con đường hợp tác phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu mới.

Không chỉ là nơi giới thiệu những công nghệ và mô hình kinh doanh mới nhất, VGMF 2024 còn là chất xúc tác thúc đẩy hợp tác sản xuất thông minh giữa các nước trong khu vực thông qua điểm kết nối tại Việt Nam.

Từ nền tảng này, những doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia có thể cùng nhau khám phá cách sử dụng sản xuất thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện khả năng cạnh tranh công nghiệp và đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng sẽ thảo luận cách tìm kiếm cơ hội phát triển chung trong tình hình quốc tế hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa các nước đang phát triển đang trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen.

Theo ông Lê Anh Dũng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản công nghiệp và cho thuê A+ (đơn vị đồng tổ chức hội nghị), tại VGMF 2024, các chuyên gia và nhà đầu tư sẽ cùng thảo luận về xu hướng và sự phát triển mới của ngành công nghiệp sản xuất thông minh, tạo nên một bức tranh tổng thể mới cho ngành công nghiệp sản xuất thông minh của Việt Nam và toàn cầu. Qua đó, các bên tham gia sẽ cùng nhau khám phá cách thức sản xuất thông minh, tìm kiếm cơ hội phát triển chung và đạt được kết quả cùng có lợi trong bối cảnh các dòng đầu tư sản xuất toàn cầu đang dịch chuyển.

“Tham gia VGMF 2024 gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, điện tử, sản xuất thông minh phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu. Đó là các doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… đã có mặt tại Việt Nam và các nhà đầu tư tiềm năng trong ngành sản xuất linh kiện điện tử và bán dẫn đang xem xét đầu tư để đón đầu cơ hội hợp tác với các đại bàng công nghệ nguồn như NIVIDA (Mỹ), ASML (Hà Lan), Amkor, Seojin (Hàn Quốc), các tập đoàn sản xuất bán dẫn của Nhật Bản, Trung Quốc đang có kế hoạch đổ bộ vào Việt Nam. Đây chính là những điểm nhấn kích hoạt làn sóng đầu tư lần thứ 4 bắt đầu từ năm 2024”, ông Lê Anh Dũng nói.

Hội nghị gồm hai phiên chính. Phiên 1 có chủ đề Sản xuất thông minh, sản phẩm trí tuệ, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phiên 2 có chủ đề Công nghệ sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Sau khi kết thúc hội nghị, ban tổ chức sẽ tiếp tục kết nối các nhà đầu tư với các doanh nghiệp trong nước, các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam để tăng cường hợp tác, đầu tư, tạo nên sự kết nối giữa các quốc gia trong khu vực trở thành mạng lưới cùng hợp tác phát triển chuỗi sản xuất thông minh và thúc đẩy tăng trưởng nguồn cung ứng cho toàn cầu và được sản xuất từ Việt Nam.

Theo Nhân Dân