Kết nối du lịch sinh thái vùng ĐBSCL

26/04/2023 - 07:29

 - Không cần quá cầu kỳ, chỉ đơn giản là bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, tận dụng chính những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ đang có để tạo điều kiện cho cộng đồng tại chỗ tham gia làm du lịch (DL). Bằng sự kết nối, chia sẻ, ủng hộ nhau, những điểm DL sinh thái ở vùng ĐBSCL sẽ có cơ hội phát triển bền vững.

Tận dụng lợi thế cù lao

Nằm giữa sông Cổ Chiên quanh năm lộng gió, cù lao Cồn Chim (thuộc ấp Cồn Chim, xã Hòa Minh, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cũng bình dị như hàng trăm cù lao nổi tự nhiên ở miền Tây Nam Bộ. Tuy nhiên, chính thông điệp “Về Cồn Chim - Người quê chỉ có tấm lòng” cùng cách làm DL thuận thiên, bảo vệ môi trường, sự mộc mạc, dân dã nơi đây lại là điểm nhấn thu hút du khách.

Tham quan Cồn Chim bằng xe đạp

Cồn Chim có diện tích tự nhiên 60ha, cách trung tâm TP. Trà Vinh khoảng 10km. Cũng như nhiều cù lao khác, muốn qua Cồn Chim, du khách phải “lụy phà”. Đây là chuyến phà được thiết kế riêng cho DL, chở khách lênh đênh giữa dòng sông Cổ Chiên, ngắm những hàng dừa nước, những gốc bần nổi lên mặt nước. Đặt chân lên Cồn Chim, cảm giác đầu tiên là sự thanh bình đến lạ. Người dân nơi đây rất thân thiện, mến khách và chất phát đúng kiểu người miền Tây.

Cồn Chim không có những mảnh vườn trái ngọt xum xuê, DL nơi đây hoàn toàn thuận tự nhiên, thân thiện môi trường, nuôi trồng và sản xuất sạch theo mô hình “con tôm ôm cây lúa”. Vùng đất này có 2 mùa, dựa vào sự thay đổi mặn - ngọt của nước sông Cổ Chiên. Vào mùa nước ngọt, người dân trồng lúa hữu cơ kết hợp nuôi tôm càng xanh theo hướng sạch. Khi nước mặn xâm nhập cũng là lúc lúa đã thu hoạch xong, bà con cho nước mặn vào ao để nuôi cua biển, tôm thẻ, tôm sú. Có những ao được giữ nước mặn lại để nuôi cua, phục vụ du khách quanh năm. Tại đây, người dân nói không với kiểu khai thác tận diệt thủy sản; tuyệt đối không dùng thuốc trừ sâu, chất hóa học để bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Du khách đến đây không được sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần…

Cộng đồng làm du lịch

Chính sự tự nhiên, hài hòa giống như những làng quê Nam Bộ cả trăm năm trước lại hấp dẫn du khách. Ngồi trên chiếc xe đạp, du khách tự chia thành từng nhóm để khám phá Cồn Chim, thong dong cả ngày ở một nơi hoàn toàn tách biệt với những dòng xe cộ ồn ào, hối hả. Nơi đây, có những góc “check-in” mộc mạc vô cùng độc đáo. Đó là những cổng làng đầy hoa giấy, những ngôi nhà lá đơn sơ với bàn trà Nam Bộ, những con đường nhỏ rợp bóng dừa và sắc hoa 2 bên, những ao tôm, cua với mặt nước mênh mang…

Trải nghiệm câu tôm

Trải nghiệm nhổ bông súng

Đến đây, du khách được trải nghiệm câu cua, câu tôm, nhổ bông súng; trải nghiệm làm bánh lá; thưởng thức những món ăn miền Tây dân dã, như: Bánh canh tôm nước cốt dừa, bánh xèo, tôm hấp, cua luộc, những sản phẩm độc đáo từ dừa nước… Nguồn thực phẩm đảm bảo tươi, sạch, do chính người dân nơi đây nuôi trồng, chế biến và phục vụ. Dù bao nhiêu tuổi, du khách cũng được “mời một vé về tuổi thơ” khi tham gia các trò chơi dân gian, như: Nhảy dây, tạt lon, bắn bi, độc đáo nhất là trò đua cua biển. Phần thưởng là những trái dừa xiêm ngọt lịm hoặc những trái xoài trên cây.

Làm bánh lá

Cách làm DL ở Cồn Chim khá đơn giản, mỗi nhà phục vụ những món sở trường của mình, không trùng lắp, cạnh tranh nhau. Họ tận dụng người nhà và nguyên liệu sẵn có để phục vụ du khách. Nhà cô Sáu Giàu bán bánh xèo, trồng rau ngay trong vườn. Nhà cô Ba hướng dẫn khách làm bánh lá, ăn kèm nước cốt dừa; có ngôi nhà lá đơn sơ để khách “check-in”. Đến với bếp xưa của cô Vân, du khách được thưởng thức các món mứt từ dừa non, chén sương sâm mát lạnh. Ghé thăm nhà cô Ba Sữa sẽ được ăn bánh rau mơ, nhờ tận dụng lá mơ trồng quanh nhà. Đến nhà chú Năm là có món chè dừa nước đặc biệt… Ở Cồn Chim, giá cả rất bình dân, chỉ từ 10.000 - 30.000 đồng/khách cho mỗi điểm đến trải nghiệm câu cua, câu tôm, làm bánh, ăn uống tại chỗ…

Kết nối, lan tỏa

Mới đây, Hội Doanh nhân trẻ (DNT) tỉnh An Giang đã tổ chức chuyến trải nghiệm DL Cồn Chim; giao lưu với Hội DNT tỉnh Trà Vinh và Hội DNT tỉnh Sóc Trăng để kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong cộng đồng DNT vùng ĐBSCL.

Dù cũng là dân miền Tây, nhưng những trải nghiệm của DNT An Giang ở cù lao Cồn Chim lại khá bất ngờ, thú vị. Đó là cách làm DL sinh thái không giống với An Giang nhưng lại là những gợi ý, bài học hay về mô hình DL thuận thiên, dựa vào cộng đồng cùng phát triển. “An Giang có những cù lao chuyên canh rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, hoàn toàn có thể phát triển DL tự nhiên. Dù vùng ĐBSCL có nét tương đồng chung về văn hóa sông nước nhưng mỗi tỉnh lại có những đặc thù riêng về nuôi trồng, có những lợi thế về nông nghiệp khác nhau. Cùng với đó, mỗi tỉnh lại có những đặc sản, món ăn đặc trưng riêng. Nếu cùng phát triển các mô hình DL sinh thái dựa trên lợi thế cù lao, sông nước, các tỉnh có thể phối hợp tổ chức những tour trải nghiệm, khám phá ĐBSCL kết hợp thủy, bộ. Với đặc thù riêng của từng nơi, sẽ giữ chân du khách nghỉ đêm ở mỗi tỉnh, sử dụng sản phẩm, dịch vụ địa phương để DL cộng đồng cùng phát triển” - một DNT yêu thích DL gợi ý.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Dương Hoàng Sum cho biết, thông qua những hoạt động giao lưu, kết nối giao thương giữa cộng đồng doanh nhân ĐBSCL, sẽ góp phần quảng bá lợi thế DL của mỗi địa phương. Từ đó, gợi mở những ý tưởng liên kết vùng trong lĩnh vực DL, đưa ngành “công nghiệp không khói” miền Tây Nam Bộ phát triển theo hướng bền vững.

NGÔ CHUẨN