Kết nối tiêu thụ sản phẩm của An Giang

08/12/2022 - 07:01

 - Được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện sản xuất thuận lợi, An Giang có thể cung ứng những mặt hàng nông sản và hàng hóa khác với số lượng lớn, ổn định, đảm bảo chất lượng. Khi được hỗ trợ kết nối tiêu thụ qua kênh truyền thống và sàn thương mại điện tử, hàng hóa An Giang dễ tiếp cận nhiều khách hàng, mở rộng thị trường đa dạng, phong phú hơn.

Doanh nghiệp chủ động hợp tác

Nhiều năm nay, thương hiệu trứng vịt Ba Huân đã khẳng định được uy tín trên thị trường, có mặt khắp cả nước. Nguyên nhân sản phẩm được tin dùng là do Công ty Cổ phần Ba Huân (số 28 Nguyễn Đình Chi, phường 9, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) luôn chú trọng liên kết xây dựng nguồn nguyên liệu rõ nguồn gốc, an toàn, chất lượng.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Mekong Connect 2022 vừa tổ chức tại TP. Cần Thơ, Giám đốc Công ty Cổ phần Ba Huân Phạm Thị Huân đã trực tiếp ký biên bản ghi nhớ với bà Nguyễn Thị Kim Yến, chủ hộ chăn nuôi ở ấp Khánh Đức (xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú) về hợp tác mua bán trứng vịt tươi. Theo đó, tùy theo số lượng thực tế thu hoạch được từ đàn vịt đẻ trứng của hộ bà Yến và nhu cầu của công ty, bà Yến sẽ cung cấp cho Công ty Cổ phần Ba Huân từ 30.000-50.000 trứng vịt tươi mỗi ngày. Giá mua theo thực tế thị trường trứng vịt tươi ở địa phương, do 2 bên thỏa thuận.

Với biên bản ghi nhớ có hiệu lực trong 5 năm, hộ bà Nguyễn Thị Kim Yến có thể yên tâm chăn nuôi đàn vịt quy mô lớn, không lo đầu ra, trong khi Công ty Cổ phần Ba Huân cũng có nguồn cung trứng vịt tươi ổn định để sản xuất - kinh doanh.

Xây dựng vùng nguyên liệu cho TP. Hồ Chí Minh

Sau khi tham gia Mạng lưới liên kết ABCD Mekong (An Giang - Bến Tre - Cần Thơ - Đồng Tháp) tổ chức Mekong Connect, UBND TP. Hồ Chí Minh rất chú trọng phát huy giá trị thiết thực của diễn đàn kinh tế thường niên lớn nhất ĐBSCL này. Với dân số đông nhất nước, thị trường tiêu dùng lớn, TP. Hồ Chí Minh luôn tìm cơ hội mở rộng hợp tác, kêu gọi đầu tư và phát triển giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây.

An Giang tham gia ký kết thỏa thuận hợp tác tại Mekong Connect 2022

Tại Diễn đàn Mekong Connect 2022, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư (XTTM&ĐT) tỉnh An Giang Lê Trung Hiếu và Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Lý Kim Chi đã cùng ký kết thỏa thuận ghi nhớ về “Liên kết hợp tác, hỗ trợ và phát triển vùng nguyên liệu bền vững cho ngành lương thực thực phẩm”.

Theo đó, 2 bên sẽ thúc đẩy tăng cường xây dựng mối quan hệ liên kết, hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) ở tỉnh An Giang và TP. Hồ Chí Minh cùng mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu về nuôi trồng, sản xuất lương thực, rau, củ, quả theo hướng hình thành các vùng trồng quy mô lớn, ổn định và bền vững gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm. Đồng thời, xây dựng thương hiệu hàng hóa đạt chuẩn an toàn, chất lượng, phục vụ thị trường trong nước và quốc tế.

Trung tâm XTTM&ĐT tỉnh An Giang và Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức các chương trình kết nối, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã, vùng trồng nguyên liệu liên quan ngành lương thực thực phẩm giữa tỉnh An Giang đến các DN thành viên Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, thông báo và hướng dẫn DN tiếp cận các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, thành phố trong các lĩnh vực kích cầu, tài chính, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực; tiếp cận mô hình nhà xưởng, kho lạnh, chuyển đổi số và các kỹ thuật sản xuất, trồng trọt tiên tiến, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường…

Hỗ trợ sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Cũng tại tại Diễn đàn Mekong Connect 2022, Phó Giám đốc Sở Công Thương An Giang Nguyễn Thành Huân và Giám đốc ngành hàng của Công ty TNHH Tiki Nguyễn Quách Nhi đã cùng ký kết biên bản ghi nhớ phối hợp hỗ trợ, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm của DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giữa tỉnh An Giang với Công ty TNHH Tiki (sàn thương mại điện tử Tiki).

Trong hợp tác, 2 bên chú trọng nâng cao năng lực cho DN nông nghiệp và tạo nguồn cho hệ sinh thái khởi nghiệp nông nghiệp - đổi mới sáng tạo; hỗ trợ quảng bá sản phẩm của các DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, chuyển đổi số. Đồng thời, kết nối với các DN địa phương và sàn giao dịch thương mại điện tử để mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa, đưa sản phẩm của DN khởi nghiệp đến người tiêu dùng nhanh chóng.

Theo đó, Sở Công Thương An Giang sẽ giới thiệu các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Tiki, đặc biệt là DN có các sản phẩm đặc trưng, như: Sản phẩm đạt chứng nhận chỉ dẫn địa lý, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Đồng thời, giúp các DN nông nghiệp, khởi nghiệp và các hợp tác xã định vị thương hiệu, chuẩn hóa sản phẩm, đẩy mạnh chế biến sản phẩm chất lượng…

Đối với sàn thương mại điện tử Tiki, sẽ phối hợp khảo sát nhu cầu của DN tại An Giang để có hướng hỗ trợ, tư vấn phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của các DN theo xu hướng tiêu dùng mới, hiện đại. Đồng thời, tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh; huấn luyện cách mua bán, xây dựng thương hiệu, mở rộng hệ thống phân phối, nhằm hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại An Giang tham gia sàn thương mại điện tử hiệu quả.

Công ty TNHH Tiki sẽ hướng dẫn thủ tục, quy trình, tiêu chuẩn, quy cách đóng gói, bao bì của sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm làng nghề, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của An Giang lên sàn thương mại điện tử Tiki. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản; hỗ trợ truyền thông nhằm quảng bá sản phẩm sâu rộng đến người tiêu dùng. Đặc biệt, ưu đãi phí vận hành trên sàn cho các DN mới tham gia bán hàng cùng Tiki.

NGÔ CHUẨN